Với phần mềm truy xuất nguồn gốc Dragon fruit được xây dựng trên nền tảng công nghệ blockchain, người tiêu dùng từ Autralia có thể biết rõ tất cả các công đoạn trong chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu dùng của trái thanh long Việt Nam.
Đây là kết quả của Dự án “Hỗ trợ nông sản Việt Nam xây dựng nhận diện thương hiệu toàn cầu” do Đại sứ quán Australia tài trợ và được thực hiện bởi Quỹ châu Á phối hợp với Trung tâm Phát triển nông thôn (RUDEC), nhằm hỗ trợ nông dân và các đơn vị tham gia trong chuỗi xuất khẩu thanh long sang thị trường Australia.
Tại Hội thảo “Ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản” do Trung tâm phát triển nông thôn tổ chức ngày 7/9 tại TPHCM, ông Đặng Đức Chiến, cán bộ dự án cho biết, sau khi khảo sát chi tiết chuỗi cung ứng thanh long của hai công ty được cấp phép xuất khẩu thanh long sang thị trường Australia, Dự án đã xây dựng một hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với cả nhà xuất khẩu và nhập khẩu cho trái thanh long sang thị trường này.
Với phần mềm Dragon fruit, sau khi thu hoạch, bán cho nhà cung ứng, người nông dân sẽ đăng nhập vào ứng dụng (bằng cách sử dụng tài khoản đã được cấp sẵn) để đăng tải thông tin về lô hàng họ vừa bán. Tại thời điểm này, một giao dịch được tạo ra, đi kèm với một mã QR. Mã QR này sẽ gắn với lô hàng cho đến khi được bày bán đến tay người tiêu dùng.
Trong khi đó, nhà cung ứng cũng đăng nhập vào ứng dụng truy xuất nguồn gốc xuất xứ để đăng tải thông tin lô hàng họ vừa mua được từ người nông dân và bán cho công ty chế biến hay xuất khẩu. Các công ty thực hiện công đoạn làm sạch, đóng gói, xuất khẩu cũng vào ứng dụng để đăng tải thông tin về lô hàng mua từ nhà cung ứng. Tất cả các thông tin nói trên được cập nhật, tiếp nối để hoàn thành một chuỗi hoàn chỉnh và cập nhật dựa trên thời gian thực.
Sau khi quét mã QR trên trái thanh long, người tiêu dùng được giới thiệu chi tiết về trái thanh long, như tên sản phẩm, loại ruột trắng/đỏ, phương pháp đóng gói, kích cỡ, vùng trồng; tên hộ nông dân trồng, địa chỉ, giới thiệu về người trồng; nhà cung ứng; cơ sở chế biến; cách xử lý trái; thông tin xuất khẩu (mã lô, phương tiện vận chuyển, mã công ten nơ, mã kẹp chì,…); các loại giấy chứng nhận.
Ông Chiến cho biết, phần mềm truy xuất nguồn gốc ứng dụng công nghệ blockchain giúp các thông tin được ghi lại vĩnh viễn trên chuỗi khối và không thể thay đổi sau khi được nhúng vào blockchain. Đồng thời, các thông tin được minh bạch vì có thể được xác minh, kiểm chứng công khai bởi bên thứ ba và mọi sửa đổi hay cập nhật đều được ghi lại trên hệ thống. Ngoài ra, phần mềm này có thể áp dụng cho các nông sản khác.
Ông Phạm Hoài Tâm – Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (Long An), cho biết, sau khi áp dụng phần mềm nói trên cho các lô hàng xuất khẩu, sản phẩm của công ty dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với thị trường, đặc biệt là các thị trường khó tính. Đồng thời, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng được nhanh chóng và hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, người nông dân chưa thành thạo các thao tác đưa thông tin giao dịch lên hệ thống. “Vì vậy, phần mềm cần cải tiến theo hướng dễ sử dụng và đào tạo, hướng dẫn dẫn người dân cụ thể hơn” – theo ông Tâm.