Hơn 40 doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm công nghệ số “Make in Viet Nam” tại Hội thảo và Triển lãm Vibrand 2020.

Ngày 18/11, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND TPHCM tổ chức Hội thảo và Triển lãm doanh nghiệp và sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam – Vibrand 2020. Đây là sự kiện được tổ chức thường niên của ngành công nghệ thông tin – truyền thông.

Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết, năm 2019 tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT đạt khoảng 112 tỷ USD, trong đó xuất khẩu công nghiệp CNTT đạt 91,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2018. Công nghiệp CNTT đã đưa ngành thông tin và truyền thông trở thành một trong những ngành có đóng góp lớn trong cơ cấu GDP của cả nước, dự kiến đóng góp khoảng 7,3%, nếu tính cả khối FDI thì đóng góp trên 16% GDP trong năm 2020. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành công nghiệp CNTT còn thiếu bền vững, khi Việt Nam đang phụ thuộc khá nhiều vào các doanh nghiệp FDI.

Doanh nghiệp giới thiệu các giải pháp công nghệ số
Doanh nghiệp chia sẻ về xây dựng thương hiệu, giải pháp phát triển công nghệ số. Ảnh: KA

“Vì vậy, chúng ta cần thực hiện chiến lược phát triển mới. Đối với FDI, cần ưu tiên các dự án công nghệ cao, công nghệ số, dự án có tính lan tỏa, tạo chuỗi của doanh nghiệp trong nước. Đối với ngành CNTT trong nước, cần thực hiện chiến lược make in Viet Nam, hướng tới một nền công nghiệp tự chủ, thông qua việc phát triển các doanh nghiệp công nghệ số, làm chủ các khâu sáng tạo, thiết kế sản phẩm, những công đoạn có giá trị gia tăng cao”, ông Tâm nhấn mạnh.

Hiện nay, các doanh nghiệp trong nước đang chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, chủ động sản xuất sản phẩm tại Việt Nam. Tại triển lãm, hơn 40 doanh nghiệp đã giới thiệu những sản phẩm công nghệ số và sản phẩm công nghệ số “make in Viet Nam”.

Triển lãm
Hơn 40 doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm tại Triển lãm. Ảnh: KA

Điển hình như AI Smart Waring được nhóm nghiên cứu của Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam nghiên cứu, phát triển dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo. Giải pháp cho phép tự động nhận diện hành động của con người thông qua camera như đánh nhau, say xỉn, ngã, đột quỵ, cầm vật nguy hiểm (dao, súng,...), đột nhập, trốn trại,... và gửi cảnh báo ngay lập tức qua chuông, đèn báo hay tin nhắn hình ảnh thực tế của hành động tại thời điểm xảy ra qua điện thoại thông minh. Việc cảnh báo này giúp kịp thời xác nhận và xử lý tình huống, tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn và trật tự xã hội.

Giao thông thông minh trên nền bản đồ số của Hanel là giải pháp tổng thể về giao thông đầu tiên kết nối và quản lý toàn bộ cơ sở dữ liệu về các đối tượng thuộc hạ tầng giao thông và định vị, giám sát hành trình, phương tiện giao thông trên nền bản đồ số thống nhất. Giải pháp giúp hạn chế quá tải và lượng xe luân chuyển trên đường nhằm tăng tuổi thọ cầu đường; kiểm soát được lưu lượng di chuyển của các đầu xe; hỗ trợ thu phí theo từng km di chuyển thực tế; giám sát quản lý chất lượng, theo dõi tình trạng xe, các hạng mục cầu đường;...

Công ty Cổ phần giải pháp chuỗi cung cứng Smartlog thì cung cấp giải pháp toàn diện từ đầu đến cuỗi chuỗi vận hành logistics. Đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ logistics về sự chính xác, bảo đảm thời gian cũng như các dịch vụ hỗ trợ khác.