Hội nghị quốc tế lần thứ 4 về vi cơ điện tử (MEMS) và hệ thống cảm biến vừa diễn ra trực tuyến ngày 17/11 tại TPHCM và 5 điểm cầu khác trên thế giới.

Sự kiện do Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP Labs) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Cấu trúc Nano và Phân tử Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM cùng các đối tác quốc tế tổ chức. Năm nay, Hội nghị có chủ đề “MEMS và vật liệu tiên tiến”.

Trình bày các nghiên cứu về công nghệ MEMS tại Hội nghị
Báo cáo nghiên cứu về công nghệ MEMS tại Hội nghị. Ảnh: KA

Theo ông Ngô Võ Kế Thành, Giám đốc SHTP Labs, các chuyên gia trong và ngoài nước tại các điểm cầu (Anh, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore) đã trình bày các nghiên cứu về MEMS ứng dụng trong xây dựng đô thị thông minh. Trong đó có nghiên cứu của Australia về chế tạo cảm biến áp suất đo mực nước với công nghệ mới sử dụng vật liệu SiC (silic cacbua) thay thế cho vật liệu Silic trước đây. Với vật liệu SiC, cảm biến sẽ nhỏ gọn, bền, tiết kiệm năng lượng và đạt hiệu quả sử dụng cao hơn. Ngoài ra, còn có nghiên cứu của Anh về tích hợp cảm biến với vật liệu MOFs (khung cơ kim) để đo sự hấp thụ khí (đo khí độc, rò rỉ khí gas). Hiện nay, hệ thống cảm biến này đã được một số công ty gas của Việt Nam nhập khẩu. Nếu được sản xuất trong nước, giá của hệ thống có thể giảm, phù hợp cho người dân sử dụng rộng rãi để đo sự rò rỉ của khí gas trong gia đình.

“Hai công nghệ MEMS nói trên đều phù hợp và có thể áp dụng trong việc xây dựng đô thị thông minh. Thời gian tới, SHTP Labs sẽ nghiên cứu, nhận chuyển giao các công nghệ trên để có thể sản xuất trong nước, nhằm hạ giá thành sản phẩm” – ông Thành nói.

C
Cảm biến áp suất đo mực nước do SHTP Labs nghiên cứu, chế tạo. Ảnh: KA

Ông Thành cũng cho biết, sau Hội nghị quốc tế lần thứ nhất về MEMS năm 2017, SHTP Labs đã nhận chuyển giao công nghệ sản xuất cảm biến áp suất từ Nhật Bản để đo mực nước tại các điểm ngập. Đến nay, cảm biến này đã được lắp đặt tại hơn 10 điểm thường xuyên xảy ra ngập lụt của TPHCM và thời gian tới sẽ tiếp tục được sử dụng trong hệ thống cảnh báo mực nước không dây thuộc Dự án cải thiện môi trường nước TPHCM.

Bên cạnh đó, SHTP Labs còn tiếp nhận công nghệ cảm biến biến dạng của Nhật Bản và năm 2020 đã triển khai nghiên cứu cảm biến này trong phòng thí nghiệm để thời gian tới có thể đưa vào ứng dụng thử nghiệm tại một số cây cầu ở TPHCM. Đồng thời, SHTP Labs sẽ mở rộng nghiên cứu ứng dụng cảm biến biến dạng trong việc đo độ sạt lở của đất đá vùng đồi núi.

Ngoài ra, SHTP Labs đang triển khai nghiên cứu sản xuất cảm biến đo độ pH theo đơn đặt hàng của Sở KH&CN TPHCM - theo ông Thành.