Chiều 30/10, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức lễ ra mắt nền tảng trí tuệ nhân tạo FPT.AI.
Nền tảng này cung cấp các sản phẩm giúp tự động hóa các tác vụ lặp lại, nâng cao hiệu quả vận hành và chăm sóc khách hàng cho doanh nghiệp.
Điểm vượt trội của FPT.AI là giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian tích hợp giải pháp trí tuệ nhân tạo vào quy trình vận hành và thấy được hiệu quả rõ rệt: Không mất chi phí đầu tư ban đầu (được cung cấp theo hướng dịch vụ - SaaS); thời gian triển khai nhanh chóng (chỉ từ 1 – 3 tuần); đảm bảo hoạt động vận hành diễn ra liên tục, mọi lúc, mọi nơi.
Hệ sinh thái FPT.AI bao gồm các sản phẩm và dịch vụ như Nền tảng Hội thoại tự động – Chatbot (FPT.AI Conversation), Trợ lý Ảo tổng đài (FPT.AI Virtual Agent for Call Center), Giải pháp Trích xuất thông tin hình ảnh và Định danh khách hàng trực tuyến (FPT.AI Vision và FPT.AI eKYC), Giải pháp Tổng hợp và Nhận dạng Giọng nói tự động (FPT.AI Speech).
Sau 3 năm ra mắt, FPT.AI đã triển khai dịch vụ thành công tới hàng trăm khách hàng doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước trên nhiều lĩnh vực như viễn thông, thương mại điện tử, tài chính – ngân hàng, hành chính công với một số khách hàng như TP Bank, SHB Finance, SSI, AIA, Tiki, Honda, Sendo, Vietnam Airlines, Điện lực Miền Trung, Bộ Y tế.
Ra mắt từ năm 2017, tính đến nay, nền tảng FPT.AI đã được 30.000 lập trình viên sử dụng để phát triển các sản phẩm, dịch vụ trong nhiều lĩnh vực. Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 200 triệu lượt người dùng các sản phẩm dịch vụ được phát triển trên nền tảng này.
“FPT cam kết tiếp tục đầu tư, mở rộng hệ sinh thái sản phẩm đa dạng tại Việt Nam để giải quyết các bài toán của doanh nghiệp và chính phủ trong giai đoạn tới, qua đó đóng góp vào việc thúc đẩy mục tiêu xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số” – ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó TGĐ Công ty TNHH FPT Smart Cloud, nói.
Ở góc nhìn của nhà quản lý, ông Đỗ Công Anh – Phó Cục trưởng Cục tin học hóa – Bộ Thông tin và Truyền thông, bày tỏ mong muốn "FPT cũng như các tập đoàn lớn tiếp tục hoàn thiện sản phẩm liên quan đến trí tuệ nhân tạo để ngoài việc triển khai kinh doanh và thực hiện 3 nhiệm vụ chính”.
Trong đó, một là tập trung các giải pháp phục vụ 8 lĩnh vực ưu tiên trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia, bao gồm: y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông, logistics…
Hai là, FPT với tư cách là tập đoàn lớn cần khẳng định vai trò dẫn dắt các doanh nghiệp công nghệ số bằng cách phát triển cộng đồng AI Việt; đầu tư vào nghiên cứu và đào tạo (phối hợp với các trường đại học, cơ sở đào tạo); tạo dựng hệ sinh thái để các doanh nghiệp nhỏ hoặc startup có thể sống được, sáng tạo được trên nền tảng này.
“Phải như vậy mới giữ được người và dữ liệu cho người Việt nhất là trong bối cảnh dữ liệu được ví như dầu thô của nền kinh tế số. Thay vì để 70% người dân Việt Nam cung cấp nguồn dầu thô đó cho các tập đoàn trên thế giới và kinh doanh trên thị trường nội địa thì hãy để doanh nghiệp Việt làm điều đó” – ông Công Anh nhấn mạnh.
Ba là đưa các ứng dụng của AI vào hoạt động, ứng dụng phục vụ cộng đồng và người yếu thế.
Ông Đỗ Công Anh cũng cho biết, theo báo cáo do Công ty tư vấn Kearney và EDBI Singapore vừa công bố trong tháng 10, từ năm 2015 đến 2019, Mỹ đầu tư cho AI với mức 155 USD/người; Singapore - 68 USD/người; trong khi mức đầu tư của các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam, đều ghi nhận dưới 1 USD/người.
Tuy nhiên, ông Đỗ Công Anh cho rằng, báo cáo này có thể chưa phản ánh chính xác tình hình đầu tư vào AI vì có thể nhiều đơn vị đầu tư chưa công bố số liệu. Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa có thêm cơ sở để tin tưởng vào nhận định của mình bởi một báo cáo khác đã xếp hạng Việt Nam đứng thứ 21 trong phát triển AI trên thế giới và dự báo, trong tương lai, 12% GDP của Việt Nam sẽ do trí tuệ nhân tạo đóng góp.