Khoảng 400 con đường trên địa bàn TPHCM được đặt tên không chính xác, bị trùng, hoặc không có ý nghĩa văn hóa lịch sử.

Thông tin trên được TS Trương Hoàng Trương, Trưởng Khoa Đô thị học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, cho biết tại hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và phát triển phối hợp cùng Trung tâm Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý TPHCM tổ chức ngày 14/2.

Hệ thống đường sá tại TPHCM là một mạng lưới đồ sộ, gồm khoảng 3.600 đường, kéo theo đó là một hệ thống tên đường phức tạp. Trải qua nhiều lần thay đổi, nhiều đường có tên bị trùng, bị sai, hoặc không có ý nghĩa... Cụ thể, có 311 đường trùng tên với 132 tên đường; 38 tên đường đặt không chính xác; 21 tên đường không có ý nghĩa về lịch sử - văn hóa, một số tên đường chưa phù hợp, chưa thống nhất ý kiến…

Đồng thời xuất hiện tình trạng đường không có tên, tên được đặt tự phát không đúng chuẩn... trong bối cảnh nhiều khu đô thị mới được hình thành.

M
Một tên đường tại TPHCM đặt sai tên (tên đúng Trần Khát Chân). Ảnh: Intrernet

TS Trương Hoàng Trương cho rằng, tình hình này ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân và làm xấu đi bộ mặt của thành phố. Vì vậy, theo ông, việc đổi tên đối với những đường chưa được đặt tên đúng chuẩn, thiếu tính thẩm mỹ, bị trùng,… là một việc làm cần thiết.

Trong khi đó, ThS Phạm Đức Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Hệ thống thông tin địa lý TPHCM, cho biết, công tác quản lý tên đường và các nội dung liên quan đến tên đường còn được thực hiện theo cách truyền thống, chưa được số hóa, dẫn đến nhiều bất cập.

W
Webgis hỗ trợ quản lý đổi, đặt tên đường đang được hoàn thiện. Ảnh: KA

Để giúp chính quyền Thành phố quản lý tên đường hiệu quả hơn, Trung tâm Hệ thống thông tin địa lý TPHCM đang nghiên cứu, xây dựng webgis hỗ trợ công tác quy hoạch, đặt đổi tên đường, công trình công cộng. Nghiên cứu này nằm trong Đề án “Công tác đặt đổi tên đường, công trình công cộng tại TPHCM”.

Theo đó, Trung tâm đã thiết kế, xây dựng các chức năng phần mềm phục vụ quản lý hiện trạng đường và công trình công cộng, cho phép nhà quản lý tìm kiếm, xem và cập nhật thông tin đường và công trình công cộng theo thực tế. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn xây dựng các chức năng phục vụ quản lý danh sách tên trong ngân hàng tên đường để người dùng có thể cập nhật cho ngân hàng tên đường. Đặc biệt, các thông tin về lịch sử đường; các thông số kỹ thuật; định vị GPS; các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, cư dân trên địa bàn đường đi... cũng được cập nhật trên webgis.