Nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước; đơn giản hoá thủ tục; khuyến khích doanh nghiệp tham gia phối hợp thực hiện; tăng cường công khai, minh bạch; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng cơ sở dữ liệu theo thời gian thực; chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học; tạo điều kiện cho khoán chi; tăng cường hậu kiểm.
Đó là những định hướng chủ yếu trong đổi mới quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ đang triển khai, được đưa ra tại Hội thảo "Đổi mới quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia” do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 09/2/2023 tại Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, thời gian qua, Bộ KH&CN tập trung thực hiện tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia cho giai đoạn tới năm 2025 và 2030. Trực tiếp và cụ thể nhất là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1066/TTg-KGVX ngày 05/8/2021 về việc tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&CN tái cơ cấu các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia theo hướng bám sát các nhiệm vụ của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 -2030 và quan điểm chỉ đạo về lấy doanh nghiệp làm trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học là các chủ thể nghiên cứu mạnh; chú trọng thu hút nguồn lực xã hội đặc biệt là từ Quỹ phát triển KH&CN của các doanh nghiệp để đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN trên tinh thần chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế; bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng, tạo điều kiện cho khoán sản phẩm và hậu kiểm, gắn kết chặt chẽ với thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và sản phẩm đầu ra; góp phần phát triển tiềm lực KH&CN trong trung hạn và dài hạn, phát triển các hướng nghiên cứu cơ bản, các hướng công nghệ ưu tiên, các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của đất nước hoặc phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia, phải gắn kết với lộ trình công nghệ của các ngành, lĩnh vực, phù hợp với nội dung Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST giai đoạn 2021-2030, Phương hướng nhiệm vụ KH&CN 5 năm 2021-2025.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cũng cho biết, lần sửa đổi cùng một lúc 5 thông tư là lần đổi mới lớn nhất các quy định quản lý nhiệm vụ KHCN, từ khâu xác định nhiệm vụ, tổ chức đặt hàng, tuyển chọn và xét chọn, kiểm tra trong quá trình thực hiện đến khâu đánh giá nghiệm thu cuối cùng nhiệm vụ KHCN. Điều này thể hiện quyết tâm của Bộ KH&CN trong việc tái cơ cấu, hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc triển khai các nhiệm vụ, chương trình KH CN cấp quốc gia.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – tài chính, Bộ KH&CN, thuộc tổ công tác sửa đổi 5 thông tư này, các nội dung đổi mới, sửa đổi trong đợt rà soát này được triển khai bám sát theo 3 định hướng quan trọng gồm: nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho nhiệm vụ KH&CN, đồng thời, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện cho khoán chi và tăng cường hậu kiểm trong quản lý nhiệm vụ KH&CN; tạo điều kiện đơn giản hoá về thủ tục thực hiện cho các bên tham gia, khuyến khích doanh nghiệp tham gia phối hợp thực hiện cùng các viện, trường, tăng cường công khai, minh bạch, bảo đảm liêm chính học thuật; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng cơ sở dữ liệu đã hình thành và tạo ra cơ sở dữ liệu theo thời gian thực.
Trong đó trình tự và thời gian tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức, cá nhân chủ trì đề tài có nhiều sửa đổi lớn nhất. Ông Nam Hải cho biết, sẽ điều chỉnh thời gian nộp hồ sơ xuống còn 30 ngày, tức là chỉ bằng ½ thời gian so với trước để đẩy nhanh tiến độ xét duyệt, chấp nhận rủi ro khi bỏ quy định treo 2 năm không được xét tuyển chọn nếu có nhiệm vụ trước đó bị kết luận không đạt, bỏ quy định yêu cầu các tổ chức thực hiện đề tài phải có báo cáo tài chính đối với loại hình nhiệm vụ như đề tài, đề án được tài trợ 100% từ ngân sách nhà nước.
Riêng với các nhiệm vụ KH&CN cấp bách, phát sinh nhằm ứng phó với các tình huống khẩn cấp như dịch bệnh, thiên tai, dự thảo mới quy định rõ “giao Bộ KH&CN chủ động hoặc theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng đề xuất nhiệm vụ cấp bách, mới phát sinh có tác động lớn đến phát triển kinh tế xã hội của đất nước, ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng thông qua ý kiến tư vấn của các chuyên gia, tổ chức. Thông tư cũng xác định nhiệm vụ và quy định giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ KH&CN quyết định chủ động rút ngắn thời gian thực hiện các bước theo trình tự thủ tục để đảm bảo tiến độ các đề tài.
Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả đầu tư cho các dự án sản xuất thử nghiệm đúng địa chỉ, các dự thảo sẽ bổ sung thêm nội dung bắt buộc kiểm tra thực tế cơ sở vật chất, kỹ thuật của tỏ chức chủ trì và đơn vị phối hợp trong dự án sản xuất thử nghiệm, dự án KH&CN, bổ sung yêu cầu hồ sơ năng lực của đơn vị phối hợp trong dự án sản xuất thử nghiệm, dự án KH&CN.
Hội thảo này nằm trong chuỗi các hoạt động của Bộ KH&CN nhằm thảo luận, lấy ý kiến của các nhà khoa học góp ý cho các dự thảo 5 thông tư quản lý các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia. Kết quả của các hoạt động lấy ý kiến góp ý sẽ giúp Bộ KH&CN sớm hoàn thiện sửa đổi các quy định quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia ngay trong Quý I năm 2023, qua đó tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.