Đó là tuyên bố của GS Trương Nguyện Thành (Đại học Utah, Mỹ) tại chương trình giao lưu "Nghiên cứu khoa học và cầu nối mentor – mentee" ngày 15/1. Theo ông, khi chưa thất bại, startup thường chủ quan, ít nghe góp ý và không nhìn ra vấn đề của mình.
GS Trương Nguyện Thành là một chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hóa tính toán và phát triển hạ tầng cơ sở tính toán, với hơn 200 bài báo công bố quốc tế và 3 bằng sáng chế. Ông là người thành lập IVANET – một mạng lưới kết nối các nhà khoa học Việt Nam trên toàn thế giới. Ngoài việc giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Utah, hiện ông còn là thành viên hội đồng khoa học của Viện Khoa học và Công nghệ tính toán TPHCM.
Trao đổi với các startup tại buổi giao lưu do nhóm Học thuật y sinh IBSG tổ chức, GS Thành nói: "Đã là startup, cần xác định là sẽ thất bại, thậm chí 10 lần làm thì 9 lần bại, chỉ được một lần thành công. Tôi không bao giờ nói chuyện hoặc làm việc với những startup chưa thất bại".
Giải thích điều này, GS Thành cho biết: "Từ kinh nghiệm thất bại của bản thân, tôi nhận thấy các startup luôn chủ quan, ít nghe góp ý từ bên ngoài. Chỉ khi thất bại, họ mới nhìn nhận lại mình để tìm ra nguyên nhân. Vì vậy, nên mạnh dạn để các startup “chết” càng nhanh càng tốt nhưng không để họ “khô máu”, rồi sau đó kéo họ lên. Nếu làm được như vậy, phong trào khởi nghiệp sẽ phát triển bền vững và có hiệu quả".
Bàn về ý tưởng khởi nghiệp, GS Trương Nguyên Thành nhắc đến thực tế là nhiều startup sợ bị ăn cắp ý tưởng nên không chia sẻ nó với người khác để nhận được sự góp ý: "Thực tế trong mọi ngành, mọi lĩnh vực, ý tưởng hay vấn đề hoàn toàn mới rất hiếm. Nhiều ý tưởng bạn nghĩ là mới nhưng thực ra đã có nhiều người nghĩ đến từ lâu rồi. Vì vậy, việc đưa ý tưởng của mình tới một nhóm bạn tốt, tin tưởng để thảo luận, phản biện nhằm hoàn thiện nó, tạo khả năng hiện thực hóa là cần thiết".
Chuyên gia này cho rằng, các nhà khoa học trẻ, các startup hay người được cố vấn (mentee) cần tìm cho mình một mentor (người cố vấn, dẫn dắt) trong quá trình hiện thực hóa ý tưởng hay nghiên cứu khoa học. Mentor – mentee dựa trên mối quan hệ cá nhân đòi hỏi có sự tương đồng về sở thích, tính cách, coi nhau như bạn, dẫn dắt nhau cùng phát triển và đôi bên cùng có lợi. Cách tốt nhất là để họ tự tìm đến nhau một cách tự nguyện. Ông cho biết, ở Mỹ, mentor luôn mong muốn các mentee của mình thành công nên đầu tư vào các giảng viên, nhà khoa học trẻ khá nhiều. Tuy nhiên, ở Việt Nam, mối quan hệ này lại chưa được hình thành. Trong khi đó, phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, startup rất cần có người dẫn dắt, cố vấn.
Kiều Anh