Chính phủ phấn đấu đạt mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào cuối năm 2020, trong bối cảnh số doanh nghiệp thành lập mới năm 2019 đã lập kỷ lục cao nhất từ trước tới nay.
|
Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2019 là trên 4 triệu tỷ đồng. - Ảnh: Đầu Tư |
Năm 2019, số doanh nghiệp thành lập mới năm 2019 tăng cả về số lượng, vốn đăng ký và số lao động so với năm 2018. Cả nước có 138,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là trên 1,73 triệu tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 1,254 triệu lao động. Như vậy, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 5,2%; vốn đăng ký tăng 17,1% và tăng 13,3% về số lao động so với năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 12,5 tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm trước.
Đặc biệt, nếu tính cả 2,273 triệu tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 40,1 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2019 là trên 4 triệu tỷ đồng. Bên cạnh đó, có 39,4 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 15,9% so với năm 2018.
Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp tiếp tục là một trọng tâm điều hành của Chính phủ năm 2020. Tại Nghị quyết 01 được ban hành ngay đầu năm mới, Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp; có kế hoạch, giải pháp cụ thể phấn đấu mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào cuối năm 2020.
Chính phủ cũng yêu cầu tập trung tháo gỡ vướng mắc, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và các chỉ số xếp hạng quốc tế; có chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể để phấn đấu nâng xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 10 bậc; công bố sách trắng về doanh nghiệp. Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp cả về số lượng và quy mô, chất lượng; đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng bền vững, sáng tạo. Khuyến khích phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh và sự tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư, xây dựng các dự án lớn…
Đặc biệt, Nghị quyết nêu rõ, cần thành lập Tổ công tác rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, xác định các vướng mắc, bất cập, chồng chéo và kịp thời sửa đổi, bổ sung để giải phóng mọi nguồn lực tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ, phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Hội nghị với doanh nghiệp diễn ra cuối năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, trong thời đại toàn cầu hóa và đột phá về công nghệ hiện nay, doanh nghiệp là động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế vì chính khu vực doanh nghiệp là nơi tạo ra giá trị gia tăng chủ yếu cho nền kinh tế, là nơi có động lực cạnh tranh và sáng tạo để phát triển mạnh mẽ nhất, là lực lượng tiên phong trong việc đưa khoa học công nghệ vào cuộc sống. Không thể có quốc gia hùng cường, hưng thịnh nếu không có doanh nghiệp hùng hậu. Không có doanh nghiệp, không thể có nền kinh tế lớn khi thiếu vắng những thương hiệu nổi tiếng.
Thủ tướng nhắc lại thông điệp, trừ cứu hỏa và thiên tai, việc giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp phải nằm ở trang đầu quyển sổ tay hành động của lãnh đạo. “Không thể biết doanh nghiệp rất khó khăn trên địa bàn của mình, trong lĩnh vực của mình phụ trách mà không quan tâm giải quyết, đừng có bệnh thờ ơ trong việc phát triển này”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Các bộ, ngành tiếp tục có những chính sách cởi mở hơn, thực sự cởi trói, ủng hộ để doanh nghiệp bứt phá, làm được nhiều hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước, cởi trói cho doanh nghiệp tư nhân tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực, các ngành mà trước đây chỉ có Nhà nước đảm trách, ngoại trừ những lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến an ninh, quốc phòng và điều hành vĩ mô thì Nhà nước phải tiếp tục nắm.
“Chúng ta phải thực sự thay đổi tư duy, không phải những gì mà Nhà nước không muốn làm thì chuyển cho tư nhân mà là những gì tư nhân làm được và làm tốt thì nên để tư nhân tham gia, kể cả doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ công, những quan điểm mới này tôi xin đề nghị các địa phương, các ngành nên quán triệt để triển khai”, Thủ tướng nêu rõ. “Không phải cái khó đẩy cho tư nhân mà cái gì tư nhân làm được nên ủng hộ".
Tất cả các cơ quan phải cùng vào cuộc
Nhận định về số doanh nghiệp thành lập mới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong những năm qua, các doanh nghiệp đã đầu tư một lượng vốn lớn trong tổng đầu tư toàn xã hội. Điều này đóng góp tích cực vào tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước, xuất khẩu. Đây cũng là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị để nâng cao khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm, hình thành các chuỗi liên kết giá trị, tạo dựng thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế. Từ đó, trở thành lực lượng nòng cốt trong tạo việc làm, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, hiện đa số doanh nghiệp của nước ta có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, chiếm tới hơn 97% tổng số doanh nghiệp. Mặc dù, số lượng doanh nghiệp cỡ vừa đang tăng lên và chiếm tỷ trọng khoảng 3,5%, nhưng vẫn là rất khiêm tốn so với các nước khác trong khu vực (trung bình phải đạt khoảng 5-10%).
Nhằm phát triển doanh nghiệp và kinh tế tư nhân trở thànhmột động lực quan trọng của nền kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần có cơ chế chính sách tập trung phát triển doanh nghiệp nhằm hình thành lực lượng doanh nghiệp có quy lớn, đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế, tạo ra các sản phẩm chiến lược của quốc gia, khẳng định được thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế. Sản phẩm của những doanh nghiệp này cần được coi là sản phẩm quốc gia, thành công của những sản phẩm chủ lực này cũng chính là sự thành công của quốc gia.
Hơn nữa, các doanh nghiệp lớn này cần có một sợi dây, một cơ chế liên kết lại với nhau để tạo ra sức mạnh tổng hợp; trở thành cơ chế đóng góp và xây dựng chính sách; đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tham gia các sân chơi lớn tầm quốc tế; thảo luận những bài toán phát triển, hợp tác lớn với các tập đoàn xuyên quốc gia…
Còn theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc, năm 2020 sẽ là năm hoạt động cải cách, tạo dựng thể chế kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, thực chất hơn và sẽ diễn ra với khí thế mới và mạnh mẽ hơn. Hệ thống cơ quan chức năng cũng sẽ nỗ lực để sớm đưa Việt Nam vào nhóm các nước có sức cạnh tranh cao nhất ASEAN, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực hơn.
“Tôi cho rằng, năm 2020, các cơ quan chức năng sẽ tập trung tạo điều kiện tốt để đón nhận sự trưởng thành của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Dư luận đang cảm nhận được "sức nóng" từ cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp vừa diễn ra tại Hà Nội, với thông điệp Chính phủ, các Bộ, ngành đồng hành cùng doanh nghiệp”, ông Vũ Tiến Lộc nói.
Chủ tịch VCCI nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là hệ thống cơ quan chức năng, địa phương phải đồng loạt vào cuộc, triển khai thực hiện nhiệm vụ với tinh thần tự giác và trách nhiệm cao nhất; trong đó, cần ghi nhớ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với nội dung "Nếu một thương hiệu mất đi, một doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đều liên quan và có trách nhiệm của Nhà nước. Vì vậy, không chấp nhận thái độ thờ ơ, vô cảm khi giải quyết nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp".
Về mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, đến nay, cả nước có gần 800.000 doanh nghiệp và cũng chỉ còn một năm nữa để thực hiện mục tiêu nói trên. Như vậy, càng phải tập trung khuyến khích các hộ gia đình tự giác chuyển đổi thành mô hình doanh nghiệp mà xét về bản chất thì họ đã là đơn vị sản xuất, kinh doanh rồi.
“Vấn đề là phải tạo dựng được hành lang pháp lý để quản lý khoa học, phù hợp với yêu cầu chung, qua đó huy động tối đa nguồn lực chúng ta đang có. Nói cách khác, hộ kinh doanh cần được định nghĩa, được chính danh và đừng để họ như “ốc đảo” trong nền kinh tế...”, ông nói.