TPHCM hiện có 6.000 doanh nghiệp CNTT với năng suất lao động cao gấp đôi năng suất chung. Thành phố đang muốn phát triển thêm 1.000 doanh nghiệp CNTT mới, đưa ngành này trở thành ngành kinh tế chủ lực.

Tại Hội thảo “Phát triển doanh nghiệp CNTT TPHCM” trong khuôn khổ “Ngày hội Doanh nghiệp CNTT và Trí tuệ nhân tạo 2019” do UBND TPHCM tổ chức vừa diễn ra, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, TPHCM là địa phương đi đầu trong cả nước về phát triển CNTT. Cách đây 20 năm, TPHCM đã đề xuất Trung ương xem CNTT là một lĩnh vực cần ưu tiên phát triển đột phá, lựa chọn theo hướng tập trung phát triển phần mềm trước. Sau đó, Công viên phần mềm Quang Trung được hình thành, từng bước phát triển. Hiện nay, Công viên phần mềm Quang Trung vẫn là khu công nghiệp phần mềm tập trung lớn nhất cả nước, với 165 doanh nghiệp đang hoạt động, 27 nhà đầu tư, hơn 11.000 kỹ sư và nhân viên CNTT và có khoảng 11.000 sinh viên đang theo học tập.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Bí Thư Thành ủy TPHCM phát biểu tại Hội thảo    Ảnh: LN
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: LN

Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, hiện nay năng suất lao động của CNTT-TT bằng 1,96 lần năng suất chung của Thành phố.

Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, cho biết thêm, tính đến đầu năm 2019, TP.HCM có gần 6.000 doanh nghiệp hoạt động chuyên ngành chính Điện tử - CNTT. Trong đó, doanh nghiệp sản xuất phần mềm chiếm trên 60%; doanh nghiệp dịch vụ chiếm 22%; còn lại là doanh nghiệp phần cứng, điện tử và nội dung số. Số doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT chiếm 70% trong gần 1.300 doanh nghiệp khởi nghiệp của Thành phố. Doanh thu của ngành bằng 7,1% doanh thu công nghiệp chế biến, bằng 23,6% ngành xây dựng, bằng 30,9% ngành vận tải, 62% ngành ngân hàng.

Mặc dù có sự phát triển nhanh và sử dụng lực lượng lao động có trình độ cao hơn hẳn so với các ngành khác, ngành điện tử - CNTT vẫn chiếm tỷ trọng khiêm tốn trong nền kinh tế Thành phố. Số doanh nghiệp và lao động chiếm tỷ trọng xấp xỉ 3% số doanh nghiệp và lao động của toàn thành phố. Doanh nghiệp CNTT chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa; các tập đoàn lớn chưa thực hiện được vai trò dẫn dắt, để cùng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp trong ngành Điện tử - CNTT tạo thành Hệ sinh sinh thái cùng hợp tác phát triển bền vững. Ngành chưa nhận diện được các sản phẩm chủ lực; chưa đáp ứng được nhu cầu nội địa hóa sản phẩm của các tập đoàn FDI lớn như: Intel, SamSung...

Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở KH&CN     Ảnh: NL
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN trình bày tham luận. Ảnh: NL

Để tiếp tục phát triển ngành CNTT, theo ông Cường, cần tạo cơ chế sandbox, cho phép các doanh nghiệp thử nghiệm các mô hình mới ứng dụng công nghệ số, đảm bảo đăng ký sở hữu trí tuệ. Đồng thời, hình thành mối liên kết giữa Nhà nước – Nhà trường – Doanh nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực CNTT Thành phố. Trong đó, cả ba nhà cùng chịu trách nhiệm đến cùng các cam kết của mình để thực hiện mục tiêu: Nhà nước có chính sách thông thoáng, phù hợp; doanh nghiệp hỗ trợ nhà trường đào tạo sát với nhu cầu thực tế; nhà trường nâng cao chất lượng giảng dạy.

Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TPHCM, đề xuất nâng cao vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp lớn; có chính sách phát triển doanh nghiệp CNTT như hỗ trợ đổi mới công nghệ, hạ tầng CNTT,... Trong hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cần thực hiện nhiều giải pháp, nhất là xây dựng khu vực thí nghiệm các sản phẩm, dịch vụ mới cũng như cơ chế đưa sản phẩm, dịch vụ đổi mới sáng tạo vào thị trường.

Lãnh đạo UBND TPHCM tham quan các gian hàng của doanh nghiệp CNTT
Lãnh đạo UBND TPHCM tham quan gian hàng của doanh nghiệp CNTT. Ảnh: NL

Phó Chủ tịch Hội Tin học TPHCM Phí Anh Tuấn thì kiến nghị đánh giá đúng vai trò của doanh nghiệp CNTT trong phát triển KT - XH của Thành phố, qua đó có chính sách tăng ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư ứng dụng CNTT. Theo ông Tuấn, giá trị mang lại của doanh nghiệp CNTT trong nước cần được xem xét thêm từ giá trị gia tăng, tăng năng suất cho doanh nghiệp đầu cuối khi ứng dụng CNTT, mà không chỉ tính toán từ doanh thu xuất xuất khẩu gia công (rất nhỏ) cũng như doanh thu ngành CNTT (thường chiếm 1-2% doanh thu trong đầu tư CNTT của doanh nghiệp). Ngoài ra, cần tăng ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư ứng dụng CNTT, đặc biệt khi sử dụng sản phẩm giải pháp trong nước.

Ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị UBND TPHCM xem xét thành lập hội đồng phát triển CNTT-TT Thành phố gồm đại diện cơ quan quản lý nhà nước, trường đại học, và doanh nghiệp trong lĩnh vực. Cùng lúc, thực hiện các giải pháp để phát triển thêm 1.000 doanh nghiệp CNTT mới, đưa ngành này trở thành ngành kinh tế chủ lực. Bên cạnh đó, UBND Thành phố cần sớm thực hiện đề án phát triển nhân lực CNTT-TT chất lượng cao, đạt trình độ quốc tế.