Trường học Mùa Đông về Phát triển bền vững ra đời với mong muốn đưa những dự định, dự án đang còn dang dở trở thành những “hành động” có tác động sâu sắc và lâu dài đến xã hội.


Các học viên WSSD chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: BTC

Sáng 2/1/2020, Trường học Mùa Đông về Phát triển bền vững với chủ đề “Nâng cao khả năng giải quyết vấn đề xã hội thông qua phương thức giáo dục” đã khai giảngtại Trung tâm quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE), Bình Định.

Tham gia khóa học có 80 học viên được chọn từ 540 hồ sơ ứng viên, tuổi từ 18 - 25, trên khắp miền tổ quốc, đa dạng về ngành học và thế hiện kinh nghiệm/ thành tích ấn tượng: sáng lập - đồng sáng lập các tổ chức cộng đồng trên toàn quốc; giảng viên trẻ các trường đại học; nghiên cứu sinh có các bài nghiên cứu/tham luận quốc tế, huy chương Quốc tế...

22 giảng viên và khách mời đến từ 2 lĩnh vực: khoa học xã hội và các dự án cộng đồng sẽ chia sẻ về các chủ đề: Các yếu tố quyết định tăng trưởng; Khắc phục khiếm khuyết thị trường để giải bài toán phát triển; Giáo dục và những nguyên tắc nền tảng trong giáo dục; Ứng dụng giáo dục vào giải quyết các vấn đề xã hội; Đô thị và biến đổi khí hậu; Chia sẻ và huy động nguồn lực cộng đồng; Thiết kế dự án tạo tác động xã hội; Quản lý dự án và Dự án xã hội; Phát triển bền vững: Khái niệm và các tiêu chí; Phát triển bền vững và Doanh nghiệp bền vững; Ai là người trưởng thành; Tính dục: Phong trào xã hội của thế kỷ 21;…

Đến với WSSD, học viên không chỉ được tập huấn trực tiếp trong 4 ngày mà còn có 3 tháng “thử thách” sau khi khóa học kết thúc. Trong thời gian đó, học viên có thể lựa chọn tiếp tục phát triển dự án mà họ đã tham gia xây dựng theo chủ đề do WSSD đưa ra trong khóa học; tham gia một dự án/tổ chức để ứng dụng kiến thức WSSD đã trang bị; hoặc tự phát triển một dự án cá nhân, trong đó nêu lên việc ứng dụng các kiến thức và nguồn lực mà WSSD trang bị.

Biến dự định trở thành “hành động”

Cũng trong 3 tháng thử thách, WSSD tiếp tục phối hợp với các tổ chức địa phương tổ chức những buổi workshop chuyên đề nhằm nâng cao khả năng thực hiện dự án của học viên WSSD nói riêng và các bạn trẻ khác nói chung. Đặc biệt, trong nhóm trao đổi dành riêng cho học viên WSSD, các thành viên được tham gia chương trình mentorship. Ở chương trình này, học viên có cơ hội kết nối với các giảng viên, cố vấn uy tín từ chương trình về mặt phát triển bản thân cùng với tiếp cận các nguồn lực để thực hiện dự án của mình.


Học viên trao đổi với giảng viên trong bài giảng đầu tiên của Trường đông: “Vấn đề xã hội: nhận diện và phân biệt”. Ảnh: BTC

Chương trình 3 tháng đặc biệt gây hứng thú với rất nhiều học viên vì thực thi theo mô hình "thực học - thực làm". Học viên Nguyễn Quốc Đạt (1998, Thái Nguyên) cho biết, "Mình đặc biệt hứng thú với chương trình 3 tháng thử thách sau khi đã tham gia khóa học 4 ngày. Đây cũng là một trong số những giá trị mà mình đánh giá rất cao ở Trường Đông khi học viên không chỉ được học mà còn được làm thực tế. Mình rất mong đợi và xin cam kết hoàn thành thành công thử thách khi tham gia Trường Đông."

Những năm gần đây, những vấn đề liên quan đến môi trường, giáo dục, sức khoẻ, văn hóa, bình đẳng giới… ngày càng được chú trọng. Làn sóng hành động để phát triển cộng đồng một cách bền vững ngày càng tăng cao, với sự tham dự, chung tay của thế hệ trẻ nhiều năng lượng và nhiệt huyết.


PGS.TS Trần Hữu Quang - Viện Xã hội học - Viện hàn lâm KHXH Việt Nam - trong bài giảng đầu tiên của Trường đông: "Vấn đề xã hội: nhận diện và phân biệt". Ảnh: BTC

Nhiều bạn trẻ đã thực hiện hoặc đang ấp ủ dự án giải quyết vấn đề của cộng đồng. Tuy nhiên, các bạn gặp rất nhiều khó khăn trên con đường được đạt đến tác động mình mong mỏi. Hầu như các dự án xã hội không cho kết quả nhiều và nhanh chóng “chết yểu”.

Như học viên Nguyễn Quốc Đạt chia sẻ, “Năm thứ 2 đại học, mình đã tham gia đồng sáng lập một dự án giáo dục Định hướng nghề nghiệp phi lợi nhuận và ấp ủ thực hiện nhiều dự án cộng đồng khác. Tuy nhiên, khi đó mình nhận ra bản thân cần được nâng cấp về năng lực tổ chức cũng như năng lực nghiên cứu, giải quyết vấn đề một cách khoa học và hiệu quả.”


Ông Nguyễn Thành Danh - Trưởng ban tổ chức WSSD - phát biểu khai mạc. Ảnh: BTC

Thấu hiểu những băn khoăn, trắc trở khi thực hiện dự án vì cộng đồng, Trường học Mùa Đông đã ra đời với mong muốn đưa những dự định, dự án đang còn dang dở trở thành những “hành động” có tác động sâu sắc và lâu dài đến xã hội. Phát biểu tại lễ khai giảng, ông Nguyễn Thành Danh - Ban thẩm định Quỹ Khởi nghiệp xanh, Trưởng ban tổ chức - nói ngắn gọn về mục tiêu của Trường học Mùa Đông: “Trường học Mùa Đông về Phát triển bền vững ra đời với mong muốn kết nối ba tư duy khoa học, kinh tế và xã hội, đồng thời là những góc nhìn đa chiều thông qua việc đào sâu vào gốc rễ của các vấn đề. Từ đó chúng ta có thể sáng tạo những dự án cộng đồng bền vững với tầm nhìn dài hạn hơn. Chúng tôi xác định rất rõ mục tiêu của chúng tôi: khơi gợi tri thức, truyền cảm hứng vì cộng đồng, chuẩn bị tâm thế dấn thân vào hoạt động cộng đồng, kiến tạo phương pháp, chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ hoạt động dự án và hỗ trợ cách thức trong các dự án cộng đồng của cá nhân”.

“Đến với trường học này, tôi tin mình sẽ phát huy được tối đa những kỹ năng và kiến thức về kinh tế học, cũng như tìm cách phân tích những quan sát và áp dụng những kiến thức đó trong quá trình làm việc tại Oxfam. Bên cạnh đó, tôi cũng sẽ học được rất nhiều kỹ năng bổ ích phục vụ cho công việc của tôi sau này: đó là cách tìm hiểu vấn đề, nghiên cứu và ứng dụng lý thuyết thay đổi, đảm bảo dự án được triển khai hiệu quả và sử dụng nguồn lực tối ưu, và đảm bảo các dự án mang lại các tác động lâu dài ngay cả khi dự án đã kết thúc” - Học viên Hà Quỳnh Anh (1995, Hà Nội) bày tỏ tin tưởng.

Trường học Mùa Đông được tổ chức bởi tổ chức phi lợi nhuận YSD (Youth Sustainable Development) và được bảo trợ bởi Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành (ICISE) do GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam (Rencontres du Vietnam, Pháp) sáng lập.