Hơn 200 người đã tham gia buổi tập huấn về nhận diện tài sản trí tuệ trong trường đại học, viện nghiên cứu, và doanh nghiệp do Làng Sáng chế và Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo tổ chức.
Sự kiện được tổ chức vào ngày 9/10 trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp sáng tạo quốc gia TECHFEST Việt Nam 2021.
Ông David Martin Nguyễn, Đồng Trưởng làng Làng Sáng chế và Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo, cho biết, các tài sản vô hình, tài sản trí tuệnhư uy tín doanh nghiệp, bằng sáng chế, nhãn hiệu hàng hoá, ... đều có giá trị bằng tiền. Đa số các công ty trên thế giới đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu phát triển tài sản trí tuệở mức tối thiểu từ 5-15% tổng doanh thu đối với các công ty sản xuất thiết bị công nghệ; 10-20% đối với các công ty phát triển phần mềm. Theo ông Nguyễn, các doanh nghiệp Việt Nam nên áp dụng mô hình đầu tư vào các tài sản trí tuệ, quyền sở hữu trí tuệ để gia tăng giá trị doanh nghiệp của mình trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay.
Ông Võ Hưng Sơn, Trưởng Phòng quản lý KH&CN cơ sở, Sở KH&CN TPHCM, thì chỉ ra mối liên quan mật thiết giữa hoạt động sáng kiến với hoạt động sở hữu trí tuệ nói chung và hoạt động quản trị tài sản trí tuệnói riêng. Ông cung cấp cho học viên những kiến thức, kỹ năng cũng như các câu chuyện rất thực tế ở các đơn vị liên quan đến hoạt động sáng kiến, các quy định pháp luật về sáng kiến, cách thức tạo ra sáng kiến, áp dụng sáng kiến, công nhận sáng kiến cho đến thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu và tác giả sáng kiến; và đặc biệt là công tác quản trị sáng kiến trong từng đơn vị. Theo ông Sơn, một môi trường mà người lao động ai ai cũng cải tiến, đổi mới các quy trình sản xuất và quản lý thì người đứng đầu tổ chức được hưởng lợi rất lớn và tổ chức sẽ phát triển lành mạnh và bền vững.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh Văn phòng, Viện Quản trị Tài sản trí tuệ Minh Đức, thì chỉ ra tầm quan trọng, giá trị của tài sản trí tuệ hiện nay và tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Ông Quangnhấn mạnh, trong quá trình nghiên cứu khoa học, chúng ta tạo ra rất nhiều tài sản trí tuệ khác nhau, nhưng nếu ta không quản trị tài sản chặt chẽ, sau này nếu có một số rủi ro về nhân sự, về giao kết hợp đồng với một đối tác nào đó, chúng ta có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất tài sản.
Tại buổi tập huấn, nhiều người chia sẻ những băn khoăn về cách nhận diện các tài sản trí tuệ; việc bảo hộ đối với các dạng tài sản trí tuệ khác nhau; các tình huống bảo hộ tài sản trí tuệ trong thực tế; áp dụng các tài sản trí tuệ trong hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và sản xuất kinh doanh,... và đều được các chuyên gia giải đáp rõ ràng, cụ thể.
Trần Khuê (Cục Sở hữu trí tuệ)