Thưa ông, những yêu cầu nào đặt ra khiến chúng ta phải sửa đổi quy định pháp luật về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước?
Quy định về quyền đăng ký tại Luật sở hữu trí tuệ (SHTT) hiện hành chưa thực sự khuyến khích việc tạo ra, khai thác, phổ biến các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí do nhà nước đầu tư. Pháp luật hiện hành (Điều 86 Luật SHTT, được quy định chi tiết tại Điều 9 Nghị định 103/2006/NĐ-CP) quy định quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra trên cơ sở Nhà nước đầu tư thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan nhà nước được giao quyền chủ đầu tư có trách nhiệm đại diện Nhà nước thực hiện quyền đăng ký này. Quy định này chưa đáp ứng được định hướng nêu tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI số 20-NQ/TW năm 2012 đề ra đó là “giao quyền sở hữu các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ”.
Có thể thấy rằng cơ quan quản lý nhà nước thực hiện quyền đăng ký và trở thành chủ văn bằng bảo hộ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tiến hành thương mại hóa đối tượng được bảo hộ do không có chức năng cũng như khả năng kinh doanh. Chính vì vậy, quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí của Nhà nước cũng như vấn đề thương mại hóa thời gian qua rất khó được thực hiện.
Về phía tổ chức chủ trì (chủ thể tạo ra các đối tượng này), để thực hiện quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí thì sẽ cần phải được cơ quan quản lý nhà nước giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nhiệm vụ KH&CN. Việc giao quyền này hiện nay thực hiện thông qua cơ chế mang bản chất hành chính theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ (KH&CN) và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Tuy nhiên, việc triển khai các thủ tục này gặp phải những bất cập sau:
Thứ nhất, do tính chất phức tạp của tài sản trí tuệ (trong đó có sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí), đặc biệt các quy định về định giá các đối tượng này mà việc giao quyền gặp nhiều khó khăn trong thực tế.
Thứ hai, việc đăng ký bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí chỉ có thể thực hiện sau khi thực hiện các “bước”: (i) nhiệm vụ KH&CN phải được hoàn thành và đánh giá, nghiệm thu; (ii) tổ chức chủ trì phải (1) lập báo cáo về tài sản, (2) nộp hồ sơ đề nghị giao tài sản và (3) chờ đợi cơ quan có thẩm quyềt xét duyệt và ra quyết định giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nhiệm vụ KH&CN. Có thể thấy quy trình, các bước thủ tục cần thực hiện trước khi có thể đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí tương đối phức tạp. Tuy nhiên, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là loại tài sản vô hình đặc biệt với những nguyên tắc đặc thù. Ví dụ, nguyên tắc “nộp đơn đầu tiên” yêu cầu cần phải đăng ký xác lập quyền bảo vệ càng sớm càng tốt, tránh trường hợp tổ chức, cá nhân khác cũng tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí tương tự tiến hành đăng ký bảo hộ trước và quay trở lại ngăn cấm tổ chức, chủ trì và nhà nước sử dụng. Quy định hiện hành về vấn đề này chưa xét đến tính đặc thù của tài sản trí tuệ để có những quy định phù hợp với bản chất của nó.
Hệ quả là, việc không chuyển giao được quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí khiến các đối tượng này không được đăng ký bảo hộ kịp thời và theo đó việc khai thác, thương mại hóa cũng trở nên khó khăn. Điều này có nghĩa là đầu tư của nhà nước cho hoạt động nghiên cứu, tạo ra các đối tượng này không đạt được mục đích. Từ những lý do đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ trình Quốc hội sắp tới.
Ông cho biết những nội dung sửa đổi cụ thể trong dự thảo lần này là gì?
Dự thảo Luật đề xuất sửa đổi, bổ sung 4 điều với những nội dung cơ bản sau đây:
Thứ nhất, bổ sung Điều 86a, trong đó quy định trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ KH&CN cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, trừ các đối tượng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia (do Nhà nước thực hiện đăng ký) – đây được xem là nội dung quan trọng và nổi bật nhất của chính sách.
Thứ hai, bổ sung Điều 133a, trong đó quy định quyền của Nhà nước đối với các đối tượng này như trao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu hoặc công bố công khai nội dung sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí để người khác không thể đăng ký độc quyền các đối tượng này; đồng thời quy định nhà nước có quyền sử dụng các đối tượng này trong một số trường hợp khẩn cấp hay phục vụ nhu cấp cấp thiết của xã hội, an ninh quốc gia.
Thứ ba, bổ sung Điều 136a, trong đó quy định nghĩa vụ của tổ chức chủ trì (thông báo đối tượng mới được tạo ra cho cơ quan có thẩm quyền, nghĩa vụ thực hiện đăng ký xác lập quyền trong thời hạn quy định, báo cáo định kỳ về việc sử dụng,…).
Thứ tư, sửa đổi, bổ sung Khoản 6 Điều 139, trong đó quy định chủ văn bằng bảo hộ các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước chỉ được chuyển nhượng quyền sở hữu các đối tượng này khi được nhà nước chấp thuận.
Các quy định nêu trên tạo ra hành lang pháp lý cơ bản cho việc trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước. Theo dự thảo, Chính phủ được giao thẩm quyền quy định chi tiết về các thủ tục liên quan đến nội dung điều chỉnh tại các điều được bổ sung trên đây.
Việc sửa đổi sẽ mở ra những cơ hội gì trong chuyển giao công nghệ từ những sáng chế được hình thành từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước?
Việc đề xuất sửa đổi quy định pháp luật theo hướng trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn sẽ giải quyết được những bất cập hiện nay về mặt pháp lý và thực tiễn. Cơ chế này sẽ tạo động lực, khuyến khích tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước đăng ký xác lập quyền SHTT đối với phần kết quả nghiên cứu có khả năng bảo hộ, và thúc đẩy thương mại hóa các đối tượng này; bảo đảm sự quản lý của Nhà nước để khai thác có hiệu quả các đối tượng này và đảm bảo cân bằng lợi ích giữa tổ chức chủ trì, lợi ích của nhà nước và lợi ích xã hội.
Quy định trao quyền đăng ký một cách tự động sẽ tạo cơ sở cho tổ chức chủ trì có thể chủ động đăng ký xác lập quyền, khai thác, sử dụng các đối tượng nói trên, đẩy nhanh hoạt động chuyển giao công nghệ, thúc đẩy quan hệ hợp tác với doanh nghiệp (đối với các tổ chức chủ trì là viện nghiên cứu/trường đại học) để thương mại hóa và thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư để phát triển, nghiên cứu sản phẩm, qua đó thu về nhiều lợi ích, gia tăng giá trị kinh tế.
Khi hoạt động chuyển giao công nghệ thương mại hóa sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí càng phát triển, nguồn thu của ngân sách nhà nước cũng gia tăng từ việc thu thuế từ các hoạt động này. Không chỉ vậy, việc thực thi quy định nói trên còn mang lại cho nhà nước các lợi ích về kinh tế, xã hội khác (thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo ra công ăn việc làm,...).
Chúng ta có thể dẫn chứng về Hoa Kỳ và lợi ích kinh tế mà Hoa Kỳ đạt được từ việc thực thi Luật Bayh-Dole năm 1980 (trao quyền đăng ký sáng chế cho tổ chức chủ trì) - động lực cho nhiều quốc gia học tập, đưa vào chính sách pháp luật. Cụ thể, chuyển giao công nghệ tăng 10% mỗi năm tại Hoa Kỳ và li-xăng quốc tế tăng khoảng 18% mỗi năm và có hơn 11.472 công ty khởi nghiệp được thành lập từ năm 1980 đến năm 2017 là kết quả các hoạt động chuyển giao công nghệ. Ước tính các hoạt động chuyển giao quyền sử dụng đã đóng góp tới 518 tỷ USD vào GDP và hỗ trợ tới 3,8 triệu việc làm tại Hoa Kỳ từ năm 1996 đến 2013 trong tất cả các ngành kinh tế.
Chúng tôi được biết là không chỉ có luật SHTT, mà có những luật khác như Luật KH&CN, Luật Quản lý tài sản công, hoặc văn bản dưới luật như Nghị định 70/2018/NĐ-CP cũng quy định rất chặt chẽ về tài sản hình thành từ ngân sách nhà nước. Liệu việc sửa đổi luật lần này có dẫn tới yêu cầu phải điều chỉnh các quy định khác hay không?
Để đảm bảo thống nhất giữa quy định về quyền đăng ký, quyền sở hữu đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước trong các văn bản pháp luật hiện hành, việc sửa đổi này sẽ đặt ra yêu cầu sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan với định hướng cần phải có quy định “đặc thù” cho các đối tượng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước. Theo đó, việc giao quyền đăng ký các đối tượng này được thực hiện một cách tự động và không bồi hoàn theo quy định trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT. Hiện nay, dự thảo Luật cũng đã đề xuất sửa đổi quy định có liên quan của Luật Khoa học và Công nghệ, cụ thể đối với Điều 41 của Luật này. Các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó có Nghị định 70/2018/NĐ-CP cũng đã được rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung có liên quan.
Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi!