Trái lên màu đẹp, tự nhiên, ngăn được các loại sâu bệnh xâm hại là kết quả mà ông Nguyễn Hồng Phước (TPHCM) thu được khi dùng màng bao trái cây do Công ty TNHH Chớp Ngay sản xuất trên trái xoài và bưởi da xanh.

Tại hội thảo “Công nghệ đục vi lỗ trên màng bao, tăng chất lượng trái cây” do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức ngày 10/1, ông Phước cho biết, để tăng giá trị nông sản, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, người nông dân thường sử dụng các màng bao trái cây như túi nilon, vải không dệt,… Tuy nhiên, các loại túi bao này cản trở việc quan sát trực tiếp quá trình phát triển của trái, làm ảnh hưởng đến màu sắc trái cây, thời gian sử dụng lại ngắn. Trong khi đó, việc đầu tư nhà lưới, nhà màng không phải hộ nông dân nào cũng thực hiện được do chi phí cao.

Màng bao được sử dụng trên trái xoài tại Khánh Hòa
Màng bao được sử dụng trên trái xoài

Bà Phan Thị Thu – Phó Giám đốc Công ty TNHH Chớp Ngay, cho biết, màng được sản xuất từ nhựa nguyên sinh, bằng công nghệ đục vi lỗ của Nhật Bản. Công nghệ đục lỗ siêu nhỏ (gần 1,8 triệu lỗ/m2, đường kính lỗ chỉ 100µm) cho phép lưu thông không khí và thoát nước, nhờ đó, trái cây trao đổi khí dễ dàng, sinh trưởng tự nhiên. Đồng thời, màng cũng giúp bảo vệ trái cây khỏi sâu hại, bào tử nấm, tránh bị ảnh hưởng bởi thời tiết cực đoan như mưa, sương muối,… Do màng trong suốt, không ngăn ánh sáng, trái cây có màu sắc tự nhiên, trong khi người trồng cũng có thể quan sát sự sinh trưởng của trái và kịp thời thu hoạch, bảo quản.

“Màng bao này có thể tái sử dụng nhiều lần giúp tiết kiệm chi phí bao trái và thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc” – bà Thu nói và cho biết, màng bao trên hiện đang sử dụng phổ biến ở Nhật trong ngành nông nghiệp hữu cơ.

Tại Việt Nam, Công ty TNHH Chớp Ngay đã phối hợp với các hộ nông dân ở Tây Ninh, Ninh Thuận, Khánh Hòa,… thử nghiệm trên một số loại trái cây như mãng cầu, xoài, bưởi, nho,… cho kết quả tốt.