Mặc dù không còn đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo Viện nhưng PGS Hà Thị Thúy vẫn tất bật ngược xuôi. “Sáng mai tôi lên Yên Bái cùng với Sở KHCN đi kiểm tra vùng trồng cam; hai ngày nữa tôi vào Công ty mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) để hướng dẫn nuôi cấy mô cây mía”. Bà luôn gắn mình với những chuyến công tác dày đặc như thế để tìm hiểu nhu cầu cũng như tiềm năng giống cây trồng ở các địa phương. Những câu hỏi nghiên cứu của bà bao giờ cũng bắt đầu từ thực tiễn.
Tối ưu giống cây địa phương
Từ những năm 1990, Việt Nam có nhiều giống cam sành quý được trồng ở nhiều địa phương nhưng đều có nhược điểm là nhiều hạt. Do đó, PGS Hà Thị Thúy được người thầy - GS Đỗ Năng Vịnh, nguyên Viện phó Viện Di truyền Nông nghiệp giao nhiệm vụ điều tra, tìm kiếm các nguồn gene quý để chọn tạo giống cam không hạt.
Những chuyến thực địa chứng kiến cuộc sống của người dân những vùng có nguồn gene quý còn nhiều khó khăn càng củng cố mong muốn tuyển chọn được giống cây tốt không hạt đến với nông dân của bà khi đó. “Nghiên cứu đặc tính không hạt và phương pháp tạo dòng đa bội ở cây ăn quả có múi” (cũng là đề tài NCS) lúc đó của PGS Hà Thị Thúy là công trình đầu tiên nghiên cứu chọn tạo giống cây ăn quả không hạt ở Việt Nam.
PGS.TS Hà Thị Thúy tại phòng thí nghiệm tế bào thực vật, Viện Di truyền Nông nghiệp.
Ảnh: Đoàn Dung
“Để có được giống không hạt, cần phải tạo ra được các giống tam bội thể từ các phép lai giữa các giống tứ bội thể với các giống nhị bội”, PGS Thúy nói. Nhưng để tạo giống tam bội không hạt có chất lượng cao bà lại gặp khó khăn do thiếu nguồn gene tứ bội thể thích hợp. Để tìm được giống tứ bội, bà đã đi tìm kiếm và lựa chọn các giống bản địa ưu việt như cam Vân Du, cam sông Con, cam sành, quýt Chum và bưởi Phúc Trạch, sau đó chọn cành bánh tẻ, cắt hết lá và chồi ngọn, rửa sạch và xử lý cành bằng colchicin. Sau nhiều lần chọn lọc, kết quả cho thấy, một số cây có lá dày, phiến lá rộng ở ba giống bưởi Phúc Trạch, cam Vân Du, cam sành là thể tứ bội.
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu không chỉ phụ thuộc vào quá trình tìm tòi trong phòng thí nghiệm mà còn chịu sự chi phối rất nhiều của... thời tiết. Hoa cam, bưởi chỉ nở một lần trong năm, nếu điều kiện thời tiết không thuận lợi sẽ không lai được giống cây như mong muốn.
Nhiều lần bà phải đi tàu hỏa từ Hà Nội mang theo phấn hoa tứ bội của cây bưởi vào huyện Phúc Trạch, Hà Tĩnh để lai tạo giống nhưng không thực hiện được vì trời mưa, lại phải trở về. “Có lần chúng tôi chuyển giao giống cam cho người dân huyện Mường Lay, Điện Biên. Khi giao cây xanh tốt, phổ biến quy trình rõ ràng nhưng sau một năm quay lại cây chết hết. Cũng có khi trồng ba năm đến ngày ra hoa ra trái, thì chỉ mưa một đêm mất sạch và làm lại từ đầu. Những thời điểm như vậy tôi cảm thấy khá suy sụp” – PGS Hà Thị Thúy nhớ lại.
Những trái ngọt
PTS Hà Thị Thúy đã tạo ra giống cam V2 không hạt, được chọn tạo từ giống Valencia Olinda, làm sạch bệnh qua vi ghép, cây khỏe và năng suất tốt hơn so với giống gốc và đã được Bộ NN&PTNT công nhận là giống chính thức. Quả chỉ có từ 0 đến 6 hạt, trung bình 4,5 hạt/quả trong điều kiện trồng xen (để so sánh: giống cam Xã Đoài trung bình 19,6 hạt/quả). Quả to trung bình 190 - 250 gr/quả, có thể để lâu trên cây mà không bị giảm chất lượng, vỏ mỏng, vàng đẹp, hàm lượng nước cao, thơm, ngọt đậm. V2 là giống cam chín muộn, khả năng thích nghi rộng, kháng bệnh tốt hơn các giống trước đó, thu hoạch muộn hơn hoặc cùng lúc với cam sành ở các tỉnh phía Bắc.
Kết quả này “như phát súng đầu tiên”, không chỉ định hướng cho cây cam, quýt mà còn mở ra triển vọng tạo ra các giống cây ăn quả khác không hạt, ít hạt hoặc làm cho hạt nhỏ đi. “Nghiên cứu này đã mở ra nhiều phương pháp mới như phương pháp đa bội thể, phương pháp lai gần lai xa, lai giữa tứ bội và nhị bội, tạo đột biến và phương pháp nuôi cấy mô tế bào, đột biến ở mức tế bào… Tất cả đều áp dụng công nghệ tốt nhất có thể có ở thời điểm đó trong điều kiện nghiên cứu khó khăn” – GS Đỗ Năng Vịnh nhận xét.
“Việc nghiên cứu tạo giống bưởi, cam sành có thể trở thành thế mạnh của khoa học nông nghiệp Việt Nam vì nước ta có ưu thế về nguồn gene đặc sản cam, bưởi phong phú. Các dòng tứ bội cam sành, cam Vân Du, cam Xã Đoài, quýt Chum, bưởi Phúc Trạch, bưởi Đỏ thu nhận được là nguồn gene quý hiếm rất cần thiết cho nghiên cứu tạo giống cây ăn quả có múi không hạt trong thời gian tới” - PGS Hà Thị Thúy nói.
PGS.TS Hà Thị Thúy cùng các đồng nghiệp đã nghiên cứu thành công 52 giống cây trồng các loại (mía, cam, quýt không hạt…), trong đó gần 20 giống cây trồng được công nhận là giống quốc gia. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu của bà ở Viện Di truyền Nông nghiệp cũng đã phối hợp với một số cơ sở như: Nông trường 3/2 (Phủ Quỳ, Nghệ An), Nông trường Hoà Bình, Đảo hồ Thác Bà (Yên Bái), Văn Giang (Hưng Yên), Bảo Lộc (Lâm Đồng)… tiến hành nhập nội, tuyển chọn và khảo nghiệm một số giống cam quýt không hạt, bước đầu xác định được giống cam không hạt có triển vọng ở nước ta là giống Cara cara Navel ruột đỏ (ký hiệu N.02).
PGS Hà Thị Thúy tâm sự, niềm vui đối với những người làm khoa học không chỉ dừng lại việc tạo ra những giống cây tốt mà còn là nhìn thấy những kết quả đó có thể “len lỏi” đến từng hộ nông dân, giúp xóa đói giảm nghèo.
“Vua cam” Đinh Văn Oánh bên cây cam trĩu quả. Ảnh: baohatinh
Đến giờ bà vẫn nhớ như in hình ảnh hai bố con một người nông dân Hà Tĩnh, bắt xe ra đến Hà Nội lúc 3 giờ sáng, ngồi đợi ở công viên Hòa Bình đến 5 giờ sáng thì gọi điện cho bà: “Tôi đọc trên báo thấy cô có giống cam rất tốt, tôi muốn mua 200 cây giống để trồng và muốn là người đầu tiên ở Hương Khê trồng giống này”. Bà rất xúc động, nhưng thấy ông cất công từ Hà Tĩnh ra nhưng chỉ mua có 200 cây giống thì... ít quá, bà động viên: “Tôi cho bác vay tiền mua thêm 300 cây nữa, khi nào có quả, bác trả tiền cũng được”. Ông chính là “vua cam” Đinh Văn Oánh ở Hương Khê, Hà Tĩnh.
Mang 500 cây về trồng thử nghiệm, sau năm thứ nhất, cây phát triển rất tốt, ông Oánh mạnh dạn vay tiền ngân hàng mua giống trồng thêm 3ha. Đến năm thứ ba, cây bắt đầu bói quả, nhận thấy đây là giống cam ngon, ông Oánh lại tiếp tục vay tiền ngân hàng mở rộng diện tích. Đến năm thứ 4, được thu hoạch từ 1ha đầu tiên, ông Oánh đã trả 20ha tiền giống cho ngân hàng cùng với 300 cây vay của PGS Thúy.
Ngoài giống cam V2, hiện ông Đinh Văn Oánh còn trồng thêm giống cam CT36. “Tuy nhiên bác ấy lại đặt tên là Hà Nội T1, Hà Nội T2, tức là giống cam T1, T2 của cô Thúy. Đây chính là động lực để tôi lại tiếp tục nghiên cứu, phổ biến các giống cam không hạt, năng suất cao đến nông dân” – PGS Hà Thị Thúy nói.
PGS Hà Thị Thúy đã giành được Giải thưởng Tài năng sáng tạo nữ 2009-2010. Năm 2014, bà được vinh danh bảng vàng trí thức tiêu biểu Hà Nội…2 năm liên tiếp (2016-2017), bà được Forbes bình chọn là 1 trong 50 phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam. |