Chương trình hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội tăng cường giao lưu thương mại, kêu gọi đầu tư, bên cạnh tranh thủ kinh nghiệm quý báu của cả hai nước trong lĩnh vực nghiên cứu và xây dựng chính sách.
Ngày 10/1/2019 tại Hà Nội, Bộ Khoa học & Công nghệ Việt Nam và các cơ quan: Đại sứ quán Australia tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao & Thương mại Australia (trụ sở tại Canberra) và Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp & Khoa học Thịnh vượng chung (CSIRO) đã chính thức công bố khởi động chương trình: tăng cường thúc đẩy hợp tác khoa học kỹ thuật và đổi mới sáng tạo Australia – Việt Nam (gọi tắt là Aus4Innovation).
45 năm sau ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, Australia hiện đã trở thành một trong 16 đối tác chiến lược đặc biệt quan trọng của Việt Nam (kể từ chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tháng 3/2018). Trong giai đoạn 2018 – 2022, Chính phủ Australia cam kết sẽ đồng thời triển khai tất cả 6 chương trình hỗ trợ phát triển cho Việt Nam, trong đó có Aus4Innovation, với tổng kinh phí (viện trợ không hoàn lại) lên đến 10 triệu đô la Úc (tương đương 7,2 triệu USD ) vì mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (ĐMST) ở Việt Nam, cũng như xây dựng và củng cố mối liên hệ hợp tác lâu dài giữa các cơ sở nghiên cứu, nhà khoa học ở cả hai nước, bên cạnh hỗ trợ Việt Nam nắm bắt những cơ hội từ xu hướng CMCN4.
Theo nội dung được xây dựng và công bố trên website của Bộ Ngoại giao Australia từ tháng 11/2017, chương trình Aus4Innovation sẽ tập trung vào 4 hoạt động cốt lõi mang tính bổ trợ, bao gồm: Xây dựng tầm nhìn chiến lược số (Digital foresighting); Thương mại hóa các kết quả khoa học (Science Commercialisation); Cơ chế tài trợ cạnh tranh (Competitive Grants) và Hỗ trợ chính sách ĐMST (Innovation Policy).
Phát biểu khai mạc lễ công bố, ngài Craig Chittick – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam – chia sẻ: “Châu Á đang đứng trước ngưỡng cửa của những biến đối to lớn, và Aus4Innovation thực sự là một cơ hội rất tốt để Australia có thể hợp tác với Việt Nam để cùng khai thác những kỹ năng, tri thức và kinh nghiệm quý báu của nhau, nhằm tạo dựng và củng cố mối liên kết vững chắc trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật.”
Cũng tại sự kiện, báo cáo triển vọng kinh tế số Việt Nam do các nhà khoa học thuộc nhóm Data 61 (CSIRO, Australia) và Cục Ứng dụng & Phát triển công nghệ SATI (Bộ KH&CN Việt Nam) thực hiện đã chỉ ra một số xu thế chủ đạo có thể dẫn tới sự thay đổi mang tính căn bản đối với kinh tế-xã hội Việt Nam tính đến năm 2040; bên cạnh bức tranh toàn cảnh về thực trạng và tác động của hoạt động chuyển đổi số trong 2 lĩnh vực quan trọng là nông nghiệp và công nghiệp (sản xuất chế tạo); đồng thời còn xây dựng 4 kịch bản cho nền kinh tế số bằng các mô hình lượng hóa. Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, báo cáo trên đặc biệt có nghĩa trong việc hỗ trợ Việt Nam nhân diện các cơ hội cùng thách thức trước những tác động và xu thế của cuộc CMCN4., hoàn toàn có thể được xem là một nguồn tư liệu có giá trị cho nhiệm vụ xây dựng Dự thảo Kinh tế số.
Sau cùng, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục quan tâm và thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa hai nước, dựa trên tinh thần và cảm hứng từ sự thành công của Aus4Innovation.
Ngô Hà