Được nghiên cứu và sản xuất trong nước nên thiết bị sấy nông sản bằng công nghệ bơm nhiệt của Công ty Cổ phần máy nông nghiệp Santavi giảm 60% giá thành so với thiết bị cùng loại ngoại nhập. Ngoài ra, sản phẩm sau khi sấy bằng công nghệ này giữ được màu sắc và hương vị của nông sản.
Tại Hội thảo “Giới thiệu một số công nghệ sấy nông sản ưu việt” do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức ngày 9/10 tại TPHCM, ông Lê Thanh Tùng – Công ty Cổ phần máy nông nghiệp Santavi - cho biết, hiện có nhiều công nghệ được dùng để sấy nông sản như sấy thăng hoa, tuần hoàn khí nóng, năng lượng mặt trời, vỉ ngang, chân không, …
Mỗi một loại công nghệ đều có ưu và nhược điểm riêng, tùy vào từng loại nông sản và khả năng đầu tư mà lựa chọn công nghệ, thiết bị cho phù hợp. Cụ thể như đông trùng hạ thảo là thảo dược quý và giàu dinh dưỡng, nếu sấy khô ở nhiệt độ cao sẽ làm sản phẩm teo tóp, mất hình dạng, màu sắc ban đầu và giảm hàm lượng dinh dưỡng đáng kể. Vì vậy, những dòng sản phẩm cao cấp, thường dùng công nghệ sấy thăng hoa. Tuy nhiên, đây là phương pháp đắt tiền và khó sử dụng nhất. Với công nghệ khí nóng đối lưu thì nhiệt độ sấy cao đến 150oC, thích hợp cho các loại hạt như macca, sachi, đậu, thực phẩm tẩm ướp gia vị,…
Đối với những nông sản khác như rau củ quả, thủy hải sản, trái cây,… để giữ được màu sắc, hương vị tự nhiên của sản phẩm, thường sử dụng công nghệ bơm nhiệt bởi một số ưu việt của nó, chi phí đầu tư lại không quá lớn như công nghệ sấy thăng hoa, sấy chân không. Mặc dù vậy, các thiết bị này do trong nước nghiên cứu và sản xuất còn rất ít, nên chủ yếu vẫn phải nhập khẩu với giá thành cao.
Theo ông Tùng, công nghệ sấy bơm nhiệt của Santavi gồm hai giai đoạn. Khi nguyên liệu sấy còn tươi, lượng nước chứa trong vật phẩm còn nhiều, không khí sấy được gia nhiệt để đẩy tối đa lượng ẩm thoát ra khỏi vật phẩm, sau đó được xả ra khỏi buồng sấy. Giai đoạn này, vật phẩm được làm khô một phần. Sau đó, bơm nhiệt sẽ hoạt động, liên tục hút hơi ẩm thoát ra, tách nước trong bơm nhiệt rồi trả lại không khí khô vào buồng sấy, cho đến khi sản phẩm được làm khô đạt yêu cầu.
“Ưu điểm của công nghệ này là rút ngắn thời gian làm khô, tiết kiệm năng lượng, hạn chế tác động nhiệt độ cao lên chất lượng sản phẩm; đồng thời, giữ được màu sắc, hương vị sản phẩm sấy” - ông Tùng nói.
Hiện Santavi còn nghiên cứu, sản xuất các thiết bị sấy nông sản bằng công nghệ tuần hoàn khí nóng, nhà phơi dạng parabol, thăng hoa,… “Đặc biệt, chúng tôi đang nghiên cứu và chế tạo các buồng sấy dùng các công nghệ trên bằng container tái chế để giảm giá thành thiết bị còn khoảng 50%” – theo ông Tùng.