Đó là thông tin được đưa ra từ nghiên cứu mới của Viện Nghiên cứu phát triển Mekong (MDRI) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), khảo sát trên 1500 người ở 63 tỉnh thành trong cả nước.

So với lần khảo sát trước vào năm ngoái thì thông tin lần này cho thấy ảnh hưởng của COVID lên việc làm và thu nhập của người dân mạnh hơn rất nhiều. Trung bình, 24% người được hỏi cho biết bị mất việc và 77% người được hỏi bị giảm thu nhập. Trong đó, lao động làm việc trong các ngành dịch vụ, nông nghiệp có tỷ lệ mất việc (30%) và giảm thu nhập (91%) nhiều nhất; lao động không có tay nghề, người tự làm phi nông nghiệp và người thuộc hộ nghèo bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Để ứng phó với khó khăn đó, 67% người được hỏi cho biết cắt giảm các khoản chi tiêu không thiết yếu, 59% phải cắt giảm cả chi tiêu thiết yếu, 35% sử dụng tới tiền tiết kiệm và 20% phải vay mượn tiền từ bạn bè hoặc người thân. Có khoảng 14% người trả lời cho biết đã nhận được hỗ trợ từ chính phủ và 25% nhận cho biết nhận được hỗ trợ từ các tổ chức từ thiện và cá nhân.

Tuy đưa ra những kết quả đáng lo ngại như vậy nhưng khảo sát này vẫn chưa chạm đến được những người khó khăn chịu tác động nặng nề nhất của đại dịch, và thường không được lưới an sinh nào bao phủ là dòng người di cư, đặc biệt là di cư làm lao động phi chính thức.