Sau gần một tháng tranh tài, cuộc thi Zoohackathon Vietnam 2021 với chủ đề “Lập trình để cứu động vật hoang dã” đã chọn được 3 đội xuất sắc nhất để trao giải.

Zoohackathon huy động sinh viên và thanh niên đưa ra giải pháp chống tội phạm trục lợi từ buôn bán động vật hoang dã, thông qua công nghệ và sáng tạo.

Ư
Ứng dụng của đội Sao La thông tin về động vật hoang dã. Ảnh: Chụp màn hình

Cuộc thi do CHANGE (Trung tâm Hành động và liên kết vì môi trường và phát triển) và WildAid (Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã) phối hợp tổ chức đã nhận được gần 300 dự án đăng ký từ sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc.

Tại vòng chung kết diễn ra đồng thời tại Hà Nội và TPHCM chiều ngày 15/11, Ban tổ chức chọn ra 3 đội có những giải pháp công nghệ nổi bật và toàn diện nhất, gồm:

Đội BLATH (Hà Nội) với dự án “Found - ứng dụng giúp cộng đồng có thể trực tiếp báo cáo các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến động vật hoang dã trực tuyến và ngoại tuyến”. Dữ liệu thu được dùng để phục vụ mục đích khảo sát và xử lý các hành vi vi phạm hỗ trợ các cơ quan chức năng và các tổ chức phi chính phủ.

v
BTC trao giải Nhất cho các đội tại TPHCM. Ảnh: BTC

Đội DeColGen (TPHCM) với dự án “WildGogh - chương trình dùng để phát hiện tự động các bài đăng, bài rao bán vi phạm về mua bán và tiêu thụ động vật hoang dã trên mạng xã hội, các nền tảng thương mại điện tử”. Từ những dữ liệu thu thập được, chương trình sẽ được lập trình để đưa ra quyết định liệu xử lý: xóa bỏ, báo cáo với nền tảng chủ quản hay cần sự can thiệp sâu hơn. Hệ thống đồng thời ghi nhớ hành vi của những tài khoản bị cấm, xóa và tự xây dựng một thuật toán để dự đoán những người dùng tiềm năng của các nhóm có số lượng người dùng lớn, nền tảng cho các họa động buôn bán và vận chuyển trái phép động vật hoang dã.

Đội SaoLa (TPHCM) với dự án “SaoLa - sản phẩm công nghệ giúp cho người dùng mạng xã hội có thể cập nhật thông tin về động vật hoang dã”. Tại đây người dùng có thể tiếp cận các bài báo, tin tức, luật pháp một cách đầy đủ nhất, thậm chí có thể báo cáo các hành vi trái pháp luật với các cơ quan chức năng liên quan. Ngoài ra, ứng dụng còn phát triển nền tảng game (trò chơi), trong đó người dùng có cơ hội đóng vai người kiểm lâm với nhiệm vụ bảo vệ các loài sinh vật trong rừng. Sau khi đã chăm sóc các loài vật một thời gian, người dùng sẽ nhận được một lượng tiền ảo, và công nghệ blockchain có thể chuyển số tiền này thành tiền thật cho người dùng.

Các đội trên nhận được giải thưởng trị giá 500 USD/đội cùng cơ hội tham dự giải Zoohackathon toàn cầu.