Dự án INSPiRE VIETNAM phục hồi rừng tự nhiên tại xã Vân Hồ (Sơn La) để bảo tồn loài vượn đen má trắng vừa giành tài trợ từ Hiệp hội Bảo tồn Ngoại cảnh Châu Âu (EOCA).
Vượn đen má trắng, tên khoa học Nomascus leucogenys, là loài bản địa của Việt Nam, Lào và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), được xếp vào nhóm cực kỳ nguy cấp trong Danh lục Đỏ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN Red Book).
Đầu tháng 4/2021, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) khảo sát về động vật tại khu vực xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La và phát hiện, đàn vượn đang sinh sản thêm. Do đó, PanNature quyết định xây dựng dự án INSPiRE VIETNAM nhằm phục hồi rừng tự nhiên, nối liền các khu rừng bị phân mảnh thành một dải rừng trọn vẹn, mở rộng sinh cảnh cho loài vượn đen má trắng ở đây.
Vượn đen má trắng. Ảnh: VNE
Dự án đặt mục tiêu gieo 45.000 "bom hạt" được phát tán bởi 500 em học sinh tại xã Vân Hồ, giúp phục hồi 100 ha rừng tự nhiên.
Ngoài ra, Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên tại 6 bản làng thuộc xã Vân Hồ sẽ huy động và điều phối việc phủ xanh 20 ha rừng bằng 10.000 cây bản địa đa mục đích.
Đặc biệt, trong vòng 5 năm, dự án hướng tới cải thiện sinh kế nhờ nguồn lâm sản ngoài gỗ từ các khu rừng được phục hồi trên địa bàn cho 80% hộ gia đình tại xã Vân Hồ.
Ngày 2/11, Hiệp hội Bảo tồn Ngoại cảnh châu Âu (EOCA) thông báo, INSPiRE VIETNAM (một trong hai dự án của châu Á) về nhất trong vòng bình chọn cuối cùng và giành được hỗ trợ tài chính của tổ chức này. Dự án được tài trợ 25 nghìn euro và sẽ bắt đầu triển khai vào tháng 12 năm nay.
EOCA tài trợ cho các dự án có lợi cho đa dạng sinh học và cảnh quan hoang dã ở tất cả các nước trên thế giới, với khoản tiền tối đa 30.000 euro để thực hiện một dự án bảo tồn trong 24 tháng.
PanNature, trụ sở tại Hà Nội, là tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn từ năm 2004 nhằm bảo vệ môi trường; bảo tồn sự đa dạng và phong phú của thiên nhiên; nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng địa phương thông qua tìm kiếm, quảng bá, thực hiện các giải pháp bền vững và thân thiện với môi trường. |
Hoàng Nam