Gói Phục hồi Kinh tế xanh ứng phó COVID-19 được công bố trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Ngoại trưởng kiêm Bộ trưởng về Phụ nữ Úc, bà Marise Payne tuần này.

Trong đó, 2,5 triệu AUD dành cho bốn nhóm đối tác doanh nghiệp được thành lập trong khuôn khổ chương trình Nền tảng Đối tác Doanh Nghiệp (Business Partnerships Platform) - đây là các sáng kiến thương mại trong lĩnh vực năng lượng và khí hậu góp phần hỗ trợ phục hồi kinh tế xanh ở Việt Nam.

Gói hỗ trợ cũng bao gồm khoản tài trợ trị giá 4 triệu AUD trong khuôn khổ chương trình Hợp tác Mekong-Australia, nhằm hỗ trợ dự án trồng lúa bền vững và phát thải thấp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa chính của Việt Nam.

Bộ trưởng Ngoại giao, Thượng nghị sĩ Úc Marise Payne (giữa); Đại sứ Úc tại Việt Nam Robyn Mudie (trái); và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn (thứ 3 từ phải sang) và bốn nhóm nhận tài trợ.

Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu COP26 tuần vừa qua, Úc cũng tuyên bố cam kết tăng đầu tư tài chính khí hậu lên đến 2 tỷ AUD trong 5 năm tới, trong đó bao gồm tài trợ cho Việt Nam.

Gói Phục hồi Kinh tế xanh ứng phó COVID-19 mới của Úc sẽ bổ trợ những cam kết này, hỗ trợ Việt Nam ứng phó với các thách thức của biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng, đồng thời tạo ra các lợi ích kinh tế hữu hình và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Bốn nhóm đối tác trong khuôn khổ Nền tảng Đối tác Doanh Nghiệp gồm có:

“Ứng dụng kép của năng lượng mặt trời trong nông nghiệp và ngư nghiệp ở Việt Nam” – nhóm đối tác giữa Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, Climate Sense, Asia Foundation, Ngân hàng Chính sách Xã hội, GreenID và Vũ Phong – đại diện bởi bà Trần Lan Phương, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội. Dự án sẽ mở rộng quy mô đầu tư vào ứng dụng kép của hệ thống điện mặt trời trong sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long.

“Năng lượng sinh học trong các trang trại thương mại ở Việt Nam” – nhóm đối tác giữa Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, SNV, E-Green, Nexus for Development và HD Bank – đại diện bởi ông Phạm Đức Thọ, Giám đốc E-Green. Dự án sẽ sử dụng trang thiết bị hiện đại để mở rộng quy mô sản xuất điện sinh học bền vững ở các trang trại chăn nuôi quy mô lớn và vừa.

“Kỹ thuật canh tác nông nghiệp theo chiều dọc tiên tiến vì khí hậu, sự sống và cảnh quan ở Việt Nam” – nhóm đối tác giữa Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, Orlar, Raise Partners và SNV – đại diện bởi bà Lê Cassandra của Orlar Việt Nam. Dự án sẽ sử dụng công nghệ canh tác dọc tiên tiến để tăng năng suất cây trồng một cách bền vững ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

“Nuôi dế bền vững ở Việt Nam” – nhóm đối tác giữa Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, Cricket One, và Entomo Ventures – đại diện bởi bà Từ Thu Hiền của Cricket One. Dự án hiện đang mở rộng quy mô trang trại nuôi dế để sản xuất nguồn thực phẩm thay thế bền vững.