Ngày 30/9, UBND TPHCM phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Văn phòng Chính phủ và Quốc gia thông minh Singapore (SSDG) tổ chức hội thảo trực tuyến, kết nối 80 điểm cầu ở Việt Nam và Singapore nhằm nâng cao nhận thức và năng lực chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ trong các cơ quan, tổ chức của Việt Nam.



Hội thảo được
Hội thảotrực tuyến 80 điểm cầu ở các tỉnh thành của Việt Nam và Singapore. Ảnh: KA

Ông Chan Cheow Hoe, Giám đốc Công nghệ số của Chính phủ Singapore, cho biết, nước này đã thực hiện chuyển đổi số cách đây 30 năm, với quyết định đầu tiên là yêu cầu các cán bộ, nhân viên của Chính phủ phải có máy tính xách tay để làm việc (với hỗ trợ của Chính phủ). Sau đó, Singapore bắt đầu tạo lập các kho dữ liệu trên máy tính. Đến năm 2000, trên 90% dịch vụ ở Singapore được cung cấp trực tuyến. Năm 2010, Singapore đã cung cấp dịch vụ tích hợp, xóa bỏ tình trạng các cơ quan hoạt động cục bộ, riêng lẻ.

Đến nay, Singapore chuyển đổi số triệt để với trọng tâm là người dân, theo đó, dựa trên khảo sát, Chính phủ đã xây dựng 11 hành trình dịch vụ liên quan đến cuộc sống của người dân như Làm cha mẹ từ lúc trẻ sinh ra đến học phổ thông; Người lao động tìm kiếm công việc; Chăm sóc sức khỏe; Người cao tuổi;… Tất cả những dịch vụ liên quan đến các hành trình này đều được thực hiện một cửa duy nhất. Qua đó, giúp người dân tiết kiệm chi phí, thời gian và công sức; đồng thời thay đổi được nhận thức, thói quen và cách làm việc của cán bộ nhân viên.

Người dân
Người dân sẽ nhận được nhiều lợi ích trong chuyển đổi số. Ảnh: Kinh tế đô thị

Ông Chan Cheow Hoe chia sẻ, để chuyển đổi số thành công, nên bắt đầu từ một vài vấn đề mà người dân và Chính phủ gặp vướng mắc khi làm việc với nhau. Từ đó, thực hiện thử nghiệm việc chuyển đổi ngay và nhanh trong khoảng từ 3 – 6 tháng để tạo ra hiệu quả, khiến cho người dân và cán bộ hành chính tin tưởng vào sự chuyển đổi đó. Ngoài ra, sự thống nhất giữa các cơ quan thuộc Chính phủ cũng rất quan trọng. Ông Hoe cho rằng, cần phải thay đổi tư duy và có sự cam kết thực hiện chuyển đổi số từ cấp lãnh đạo; đồng thời xây dựng nguồn dữ liệu an toàn, chính xác và đào tạo đội ngũ kỹ thuật chất lượng.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, thì nhấn mạnh 3 vấn đề mấu chốt trong chuyển đổi số, đó là: phát triển năng lực của chính phủ, người dân, xã hội; đầu tư vào dữ liệu; và thực thi các sáng kiến trong quá trình thực hiện chuyển đổi số.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, TPHCM xác định Chương trình chuyển đổi số có vai trò đặc biệt quan trọng và mang tính quyết định trong chiến lược phát triển từ nay đến năm 2030. Để triển khai chuyển đổi số, theo ông, “TPHCM phải đánh giá đúng những hạn chế, yếu kém về phát triển trong kỷ nguyên số để thay đổi tư duy. Đồng thời, thực hiện chuyển đổi tổng thể và toàn diện nhằm tiến tới chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số”.