Các chuyên gia Anh đang hỗ trợ Việt Nam thiết lập và nâng cao tiêu chuẩn trong dạy, học tiếng Anh.

Ngày 24/10, Đại sứ quán Anh đã phối hợp cùng Đề án Ngoại ngữ - cơ quan chịu trách nhiệm quản lý hoạt động giảng dạy ngoại ngữ thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam - tổ chức hội thảo “Hợp tác Anh – Việt về nâng cao năng lực giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam”.

Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc và Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward.

Trước đó, vào tháng 10/2019, Chính phủ Anh và Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về giáo dục toàn diện trên các lĩnh vực cốt lõi của giáo dục, bao gồm giảng dạy tiếng Anh.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu khai mạc hội thảo.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Hữu, Trưởng ban Đề án Ngoại ngữ quốc gia, trong những năm qua, hoạt động hợp tác Anh - Việt trong dạy học tiếng Anh đã được thực hiện hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh ở Việt Nam.


Giáo viên tiếng Anh tỉnh An Giang tham gia tập huấn cách thức quản lý và duy trì câu lạc bộ tiếng Anh cho học sinh cùng ông Kim Pilger, giảng viên Hội đồng Anh. Ảnh: Tô Quốc Khánh.

Tham dự tọa đàm từ xa, ông Steve Smith, Đại sứ Giáo dục quốc tế của Chính phủ Anh, cho biết: “Trong lần hợp tác này, chúng tôi sẽ cố gắng đưa ra các sáng kiến, các chương trình đào tạo tiên tiến khác nhau.” Cũng theo ông, Covid-19 đã khiến ông và các chuyên gia không thể đến Việt Nam để trực tiếp tham gia vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy, tuy nhiên, sau khi dịch kết thúc, ông sẽ sớm bay sang Việt Nam để tiếp tục công việc này.

Trong khi đó, bà Donna McGowan, Giám đốc quốc gia của Hội đồng Anh (British Council), cho biết, các chuyên gia nước này sẽ hỗ trợ Việt Nam thiết lập và nâng cao tiêu chuẩn trong dạy, học, đánh giá tiếng Anh. “Hội đồng Anh sẽ chia sẻ các khuyến nghị trong thực hiện chính sách Giáo dục Đại học, xây dựng nền tảng học trực tuyến mở quốc gia, thiết kế khóa học Tiếng Anh cho Giảng dạy nhằm mục đích nâng cao trình độ tiếng Anh cho giáo viên, đồng thời nâng cao phương pháp giảng dạy để đáp ứng các yêu cầu của Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020…”

Thời gian vừa qua, Cộng đồng Phát triển Nghề nghiệp Liên tục (CPD) quốc tế đã tổ chức các buổi tập huấn, chia sẻ để hỗ trợ giáo viên và giảng viên trong bối cảnh Covid-19, rất nhiều giáo viên Việt Nam đã tham gia vào những buổi chia sẻ này. Các buổi webinar và khóa học trực tuyến đại trà (MOOCs) đã diễn ra vô cùng sôi nổi, trao cho giáo viên cơ hội được tiếp cận với các phương pháp dạy học tiên tiến, các ‘mẹo’ dạy học online. “Các hoạt động này không chỉ giúp các giáo viên vượt qua giai đoạn đại dịch, mà còn là công cụ để họ tiếp cận tới các cơ hội và kết nối toàn cầu” – bà Donna McGowan nói.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong dạy và học tiếng Anh

Đề án Ngoại ngữ quốc gia thành lập năm 2008 nhằm kiện toàn hệ thống học và dạy ngoại ngữ của Việt Nam, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam và khả năng ngoại ngữ học sinh phổ thông tới năm 2025. Hiện nay có khoảng 100 nghìn giáo viên tiếng Anh và 23 triệu sinh viên đang theo học các ngoại ngữ khác nhau gồm: Anh, Đức, Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản v.v.

Trong những năm qua, thực hiện nhiệm vụ Đề án Ngoại ngữ Quốc gia, các trường đã nỗ lực thay đổi để khắc phục các hạn chế trong giảng dạy tiếng Anh, đáp ứng nhu cầu đa dạng phong phú về hình thức, đối tượng, trình độ đào tạo, nhu cầu của người học.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), “Nhiều cơ sở giáo dục vẫn chưa cập nhật học liệu, các phương pháp giảng dạy tích cực. Đáng chú ý, nhiều trường – đặc biệt là các trường vùng sâu vùng xa – vẫn áp dụng cách kiểm tra đánh giá truyền thống. Chúng tôi đang tổ chức những buổi tập huấn, các hoạt động đào tạo để giáo viên cập nhật được phương pháp dạy học mới, giúp học năng động, linh hoạt hơn trong giảng dạy.”

Thêm vào đó, đại dịch xảy đến đã gây ra nhiều gián đoạn trong học tập, bộc lộ những điểm yếu trong giáo dục hiện tại. "Chính vì vậy, Đề án Ngoại ngữ quốc gia tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, dạy và học trên nền tảng máy tính – Internet. Các chuyên gia đang tích cực xây dựng nội dung số, những chương trình mở cho các nhóm người học khác nhau (học sinh phổ thông, sinh viên, giáo viên, giảng viên,…)”

Bổ sung thêm, bà Nguyễn Thị Mai Hữu cho rằng, “cần phối hợp với các đối tác quốc tế để tổ chức chương trình giáo dục xuyên quốc gia, giới thiệu cho học sinh – sinh viên các phương pháp học tập khác nhau.”

Ngày 03/10/2019, Chính phủ Anh và Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược về giáo dục bao gồm 5 lĩnh vực: Giáo dục bậc cao, Giảng dạy tiếng Anh, Công nghệ giáo dục, Giáo dục mầm non và Trường phổ thông quốc tế.