Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh là hai đại diện duy nhất của Việt Nam tiếp tục lọt vào danh sách 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới trong bảng xếp hạng World University Rankings 2020 của tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS).
Vào ngày 19/6, tổ chức giáo dục QS của Anh công bố bảng xếp hạng
1.000 trường đại học hàng đầu thế giới năm 2020 (World University Rankings 2020) đến từ 82 quốc gia khác nhau. Đây là kết quả sau khi QS tiến hành đánh giá hơn 4.700 trường đại học từ khắp nơi trên thế giới.
Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh lần thứ hai lọt vào bảng xếp hạng này và giữ nguyên vị trí so với năm ngoái. Cụ thể, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đứng ở vị trí xếp hạng 701 – 750. Trong khi đó, Đại học Quốc gia Hà Nội nằm trong nhóm 801 – 1.000.
Tiếp tục duy trì ở vị trí đứng đầu là ba trường đại học của Mỹ bao gồm: Viện Công nghệ Massachusetts (xếp thứ nhất trong 8 năm liên tiếp), Đại học Stanford (xếp thứ 2), Đại học Harvard (xếp thứ 3). Đại học Oxford của Anh tiến thêm một bậc so với năm 2019 để xếp thứ 4, và Viện Công nghệ California (xếp thứ 5).
Tại châu Á, hai trường đại học có thứ hạng cao nhất đều nằm ở Singapore. Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) cùng đứng ở vị trí 11 trong bảng xếp hạng. Tiếp đó là Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) và Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) lần lượt có vị trí xếp hạng 16 và 22.
Bảng xếp hạng QS World University Rankings là ấn phẩm hàng năm của tổ chức QS có trụ sở tại London (Anh), được xuất bản lần đầu tiên năm 2004. Tính đến nay là năm thứ 16 Bảng xếp hạng đại học của QS được công bố. Đây là một trong ba bảng xếp hạng được tham khảo nhiều nhất thế giới cùng với bảng xếp hạng Academic Ranking of World Universities (ARWU) và Times Higher Education World University Rankings.
QS xếp hạng các trường đại học dựa trên 6 chỉ tiêu: danh tiếng học thuật (40%), đánh giá của nhà tuyển dụng (10%), số trích dẫn/giảng viên (20%), tỷ lệ giảng viên/sinh viên (20%), tỷ lệ giảng viên quốc tế (5%), tỷ lệ sinh viên quốc tế (5%).
Để có cơ sở dữ liệu khách quan cho việc đánh giá các trường đại học hàng đầu thế giới năm nay, QS đã phân tích hơn 93 triệu trích dẫn từ 13 triệu bài báo trên hệ thống Scopus, tiếp nhận phản hồi từ 1,5 triệu học giả và 240.000 khảo sát với các nhà tuyển dụng trên phạm vi toàn cầu.
Theo QS, để đủ điền kiện lọt vào bảng xếp hạng QS World University Rankings, một trường đại học phải giảng dạy ở nhiều cấp độ nghiên cứu (cả đại học và sau đại học). Các lĩnh vực đào tạo có ít nhất hai trong số năm lĩnh vực sau: nghệ thuật và nhân văn; kỹ thuật và công nghệ; khoa học xã hội và quản lý; khoa học tự nhiên; khoa học đời sống và y học.
Quốc Hùng (Theo QS)