Một công trình khoa học ứng dụng, 5 việc làm nhân ái, 8 sinh viên có triển vọng trong nghiên cứu khoa học và 132 suất học bổng nghị lực cho sinh viên vượt khó đã được trao Giải thưởng KOVA lần thứ 17 năm 2019.
Ngày 16/11, Lễ Trao giải thưởng KOVA lần thứ 17 được tổ chức tại TPHCM với sự tham dự của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng KOVA; Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng; và nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến - thành viên Ủy ban Giải thưởng KOVA; cùng nhiều lãnh đạo các cơ quan trung ương, địa phương, doanh nghiệp, học sinh, sinh viên,…
Phát biểu tại Lễ trao giải, Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói, Giải thưởng KOVA ra đời nhằm khuyến khích trí tuệ Việt Nam phát triển. Đặc biệt, Giải thưởng KOVA nhiều năm nay tập trung vào hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học trong sinh viên nghèo, nhưng vươn lên trong học tập để bồi đắp tri thức cho các em.
“Chúng tôi mong muốn thông qua việc trao Giải thưởng KOVA, cho thấy tầm quan trọng của sự học, nếu không học thì không bồi đắp được tri thức, phát triển không bền vững và không thể tham gia nền kinh tế kết nối và chia sẻ như các nước tiên tiến đang làm. Chúng ta phải quyết tâm đưa đất nước phát triển, nâng cao năng suất lao động bằng trí tuệ, bằng đổi mới sáng tạo” - Nguyên Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Giải tập thể duy nhất (50 triệu đồng) ở Hạng mục Kiến tạo được trao cho tập thể y bác sĩ Khoa Niệu A, Bệnh viện Bình Dân TP.HCM với công trình nghiên cứu khoa học “Phẫu thuật nội soi cắt một phần thận trong điều trị bướu thận nhỏ” do TS.BS Phạm Phú Phát, ThS.BS Trang Võ Anh Vinh thực hiện cùng các cộng sự. Nhóm tác giả đã tiên phong nghiên cứu, áp dụng kỹ thuật Phẫu thuật nội soi và cắt một phần thận trong điều trị bướu thận nhỏ, mang đến phương pháp điều trị an toàn về ung thư học, ít xâm hại và bảo tồn tối đa nhu mô thận còn lại. Đây là kỹ thuật khó, đòi hỏi chuyên môn cao và chịu áp lực nhiều hơn trước áp lực thiếu máu nóng của thận trong quá trình phẩu thuật. Kỹ thuật đã được giới thiệu và chuyển giao đào tạo cho nhiều ekip phẫu thuật trong và ngoài nước.
Ở hạng mục Sống đẹp (20 triệu đồng/giải) được trao cho 5 cá nhân, đó là: bà Nguyễn Ngọc Điểu (Cơ sở phục hồi chức năng trẻ bại não Ngọc Điểu, tỉnh Vĩnh Long), người sáng lập cơ sở phục hồi chức năng và hỗ trợ điều trị miễn phí cho trẻ bại não có hoàn cảnh khó khăn trong nhiều năm qua; Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Chi hội Luật sư – Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM), người đã nỗ lực tuyên truyền pháp luật và bảo vệ quyền lợi cho nhiều trẻ em và phụ nữ yếu thế, bị xâm hại hay bạo hành; Bà Nguyễn Thị Xuân (Bệnh viện Da liễu tỉnh Bắc Ninh), người đã chăm sóc và giúp đỡ về cả vật chất và đời sống tinh thần cho các bệnh nhân phong hơn 30 năm qua; Chị Vì Thị Thuận (dân tộc Thái, Cơ sở Bảo trợ Xã hội Thuận Hòa, tỉnh Hòa Bình), người dạy nghề dệt may thổ cẩm và tạo việc làm ổn định cho các chị em phụ nữ, trong có các chị em khuyết tật, tại địa phương; Chị Lê Thị Lan Anh (TP. Hà Nội), người vượt lên hoàn cảnh bệnh tật do bị nhiễm chất độc màu da cam, nỗ lực tự học để trở thành cô giáo dạy tiếng Anh tại nhà cho các em nhỏ.
Ngoài ra, Giải thưởng KOVA – Hạng mục Triển vọng (10 triệu đồng/sinh viên), trao tặng cho 8 sinh viên được tuyển chọn từ các trường đại học công lập trên cả nước. Những sinh viên này có học lực xuất sắc và là chủ nhiệm các đề tài nghiên cứu khoa học có nhiều triển vọng.
Giải thưởng KOVA – Học bổng Nghị lực (10 triệu đồng/sinh viên) trao cho 132 sinh viên từ 56 trường đại học công lập. Dù có hoàn cảnh khó khăn, đa số các em vẫn nỗ lực đạt học lực khá, giỏi; trong đó, có nhiều sinh viên được KOVA cấp học bổng nhiều năm liền. Ngoài ra, Học bổng KOVA cũng xem xét tăng giá trị học bổng lên 20 – 30 triệu đồng cho một số sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt.
Đặc biệt, ngoài việc hỗ trợ về vật chất, KOVA còn thiết kế chuỗi các hoạt động đa dạng kéo dài 2 ngày trước lễ dành cho sinh viên với chủ đề "Hành trình làm chủ và thấu hiểu bản thân", bao gồm các hoạt động giao lưu, tranh biện, truyền cảm hứng bởi các diễn giả uy tín, rèn luyện các kỹ năng mềm,…
Giải thưởng KOVA ra đời từ năm 2002, từ ý tưởng của PGS.TS Nguyễn Thị Hoè, Chủ tịch Tập đoàn sơn KOVA với mục đích đóng góp cho sự phát triển bền vững của cộng đồng, thông qua việc khuyến khích nghiên cứu khoa học ứng dụng; Lan tỏa những hành động nhân văn và Ươm mầm, hỗ trợ cho các em sinh viên trên cả nước.
PGS.TS Nguyễn Thị Hòe cho biết, Giải thưởng KOVA không hạn chế số lượng, nhưng yêu cầu để nhận được giải thưởng cũng rất ngặt nghèo và Ủy ban Giải thưởng xem xét, lựa chọn kỹ càng và chính xác. "Tôi chỉ mong có thể nghiên cứu khoa học được thật nhiều để làm ra tiền từ kết quả nghiên cứu, qua đó mới có thể hỗ trợ được nhiều sinh viên trong học tập và nghiên cứu" - TS Hòe chia sẻ.