TS. Chu Đình Tới và các cộng sự thuộc Khoa Các khoa học ứng dụng, Trung tâm Y sinh và Sức khỏe cộng đồng (trường Quốc tế, ĐHQGHN) đã phát hiện ra, phần lớn các ca ngộ độc thực phẩm đều diễn ra tại các thành phố lớn và các trung tâm kinh tế.

Qua 184 bài báo trên các tạp chí có bình duyệt, các nhà nghiên cứu nhận thấy từ tháng 3/2020 dến tháng 8/2022 có 3.711 người bị ngộ độc thực phẩm và một số dạng thực phẩm gây độc là nấm, thịt cóc, rượu, côn trùng... được ghi nhận. Trong số này, 14,6% do ăn thịt cóc và nội tạng cóc; 24.4% do ăn côn trùng (ve sầu, bọ cánh cứng…); 33,3% do ăn phải rau dại có độc; 23,8% do ăn nấm; số còn lại do nhiễm độc rượu chứa hàm lượng methanol cao, rượu trộn lẫn một số thành phần khác. Thời điểm có số lượng lớn các ca là tháng 7/2020 (566 trường hợp), tháng 9/2020 (445 trường hợp), và tháng 6/2020 (336 trường hợp).

Trong vòng hai năm, số ca cao chủ yếu rơi vào Lâm Đồng, Đồng Nai, TPHCM, Đà Nẵng… nhưng hai nơi có tỉ lệ ngộ độc thực phẩm cao nhất là Hà Nội và TPHCM. Điều đó cho thấy các trung tâm kinh tế và thành phố lớn là nơi có nhiều trường hợp ngộ độc nhất.

Do đó các nhà nghiên cứu hy vọng là người dân cần nhận thức nhiều hơn về thực phẩm bị nhiễm độc, thực phẩm không rõ nguồn gốc và thực phẩm bẩn đồng thời các nhà quản lý có những biện pháp kiểm soát tình trạng an toàn thực phẩm và đóng cửa các cơ sở chế biến không đạt tiêu chuẩn.

Kết quả được nêu trong “Food poisoning: A case study in Vietnam”, xuất bản trên Case Studies in Chemical and Environmental Engineering.