Người dân mong muốn ưu tiên mở rộng ao hơn là bảo vệ rừng ngập mặn. Điều đó cho thấy tình trạng không tuân thủ tỉ lệ theo quy định còn khá phổ biến.

Mô hình nuôi tôm rừng ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long được phát triển nhằm thúc đẩy bảo tồn rừng ngập mặn đồng thời hỗ trợ sinh kế của người nuôi tôm quy mô nhỏ bằng cách giao đất cho nông hộ để người dân vừa bảo vệ rừng ngập mặn và vừa nuôi tôm bền vững.

Tuy nhiên, mô hình này gặp nhiều thách thức khi nông dân thường phát rừng ngập mặn để mở rộng ao nuôi tôm tối ưu lợi nhuận.

Một nghiên cứu gần đây đăng trên tạp chí Trees, Forest and People sử dụng dữ liệu thu thập được từ các cuộc phỏng vấn các hộ nuôi tôm, sử dụng phương pháp hồi quy với biến công cụ IV để đánh giá tính khả thi về mặt kinh tế của việc nuôi tôm rừng ngập mặn tại Rừng phòng hộ Tam Giang, tỉnh Cà Mau và dự đoán tác động của quy định về tỷ lệ che phủ rừng ngập mặn với năng suất tôm và thu nhập hộ gia đình.

Nghiên cứu phát hiện thấy gần một nửa số nông hộ được khảo sát không đáp ứng tỉ lệ diện tích ao nuôi và diện tích rừng được khuyến nghị (tỉ lệ diện tích rừng che phủ và diện tích ao là 60-40%), người dân mong muốn ưu tiên mở rộng ao hơn là bảo vệ rừng ngập mặn. Điều đó cho thấy tình trạng không tuân thủ tỉ lệ theo quy định còn khá phổ biến.

Đồng thời nghiên cứu cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn đối với sinh kế của các nông hộ, với những phát hiện chỉ ra rằng ngay cả việc tăng diện tích ao nuôi ở mức tối thiểu cũng có thể nâng cao năng suất.

Ngược lại, nếu các quy định về tỉ lệ ao nuôi và che phủ rừng siết chặt hơn thì cũng ảnh hưởng tới tình hình kinh tế của hộ gia đình.

Xem tại: Economic effects of a controlled mangrove-to-pond coverage ratio policy on mangrove conservation and shrimp farming: A case study in vietnam using instrumental regression analysis(Tạm dịch: Những tác động kinh tế của chính sách kiểm soát tỉ lệ che phủ rừng và ao nuôi lên bảo tồn rừng ngập mặn và nuôi tôm: một nghiên cứu trường hợp ở Việt Nam, sử dụng phân tích hồi quy),https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S2666719324000864