Đó là các ngành Kinh tế Xây dựng tại Khoa Kỹ thuật Xây dựng; Khoa học Dữ liệu tại Khoa Khoa học Ứng dụng; Địa Kỹ thuật Xây dựng tại Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí; và Thiết kế Vi mạch tại Khoa Điện - Điện tử.
Theo Đề án tuyển sinh trình độ đại học năm 2024, bốn ngành mới sẽ tiến hành tuyển sinh ngay trong năm học 2024-2025.
Việc mở các ngành mới nằm trong chiến lược phát triển và phù hợp với đặc thù và thế mạnh đào tạo công nghệ kỹ thuật lâu đời của Trường; đồng thời thích ứng với bối cảnh kinh tế, kinh doanh và công nghệ đang có sự giao thoa mạnh mẽ, đặt ra yêu cầu về liên ngành trong đào tạo.
Cụ thể, Kinh tế Xây dựng là ngành có sự kết hợp giữa hai lĩnh vực độc lập nhưng mang tính bổ trợ mật thiết cho nhau là Kinh tế và Xây dựng. Chương trình đào tạo của ngành được thiết lập trên cơ sở kết hợp kiến thức về kinh tế, quản lý và kỹ thuật xây dựng. Một phần đặc biệt quan trọng của chương trình là cung cấp các kiến thức nền tảng về quản lý dự án xây dựng, từ lập kế hoạch, kiểm soát chi phí và thời gian, đến giải quyết vấn đề và quản lý rủi ro, giúp sinh viên hiểu rõ sâu sắc về cả mặt kinh doanh lẫn kỹ thuật của ngành.
Trong quá trình đào tạo, sinh viên sẽ được tham gia vào các dự án thực tế, đảm nhiệm vai trò thiết kế, quản lý đến thực hiện dự án, giúp phát triển kỹ năng thực tiễn như kỹ năng tư duy logic, kỹ năng phân tích, kỹ năng cập nhật những tin tức kinh tế xã hội trong lĩnh vực Xây dựng,... Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có nhiều lựa chọn nghề nghiệp, từ làm việc trong các công ty xây dựng, tư vấn đầu tư bất động sản, đến làm việc cho các tổ chức quản lý dự án công cộng hoặc tư nhân.
Ngành Khoa học Dữ liệu có tính liên ngành rất cao với ba trụ cột: toán và thống kê, khoa học máy tính và lĩnh vực tri thức liên ngành (tài chính, công nghệ sinh học, y tế, giáo dục, kỹ thuật đo lường, logistics,...). Chương trình đào tạo của ngành được thiết kế nhằm cung cấp cho sinh viên kiến thức và kỹ năng phân tích dữ liệu trong: Kỹ thuật - Công nghệ, Kinh tế - Tài chính, Khoa học sự sống,…
Sinh viên tốt nghiệp có khả năng xử lý, phân tích và trực quan hoá dữ liệu; có kỹ năng sử dụng các phần mềm xử lý dữ liệu như: Python, R, SQL, Power BI, Tableau,...; có khả năng ứng dụng các kiến thức và kỹ năng khoa học dữ liệu vào thực tế cuộc sống; có thể lập kế hoạch, triển khai và quản lý dự án liên quan dữ liệu.
Ngành Địa Kỹ thuật Xây dựng là một lĩnh vực hấp dẫn, đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ và được nhìn nhận là một trong những yếu tố then chốt trong việc xây dựng và duy trì một hạ tầng đô thị hiện đại, bền vững trong thời đại công nghiệp 4.0. Đây là ngành đào tạo bậc đại học đầu tiên ở khu vực phía Nam.
Ngành này tập trung vào phát triển hạ tầng kỹ thuật, không gian ngầm, công trình ngầm, giao thông, thuỷ lợi từ khảo sát, thiết kế, thi công và quản lý chất lượng trong môi trường đa ngành, đa văn hoá phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Chương trình đào tạo của ngành cung cấp kiến thức và kỹ năng toàn diện với các môn học nổi bật như địa kỹ thuật công trình, phân tích dữ liệu, thiết kế nền móng, các giải pháp cải tạo, ổn định công trình, thi công cũng như quản lý chất lượng các dự án xây dựng,... Với sự tích hợp của công nghệ 4.0, sinh viên được tiếp cận với các công cụ và phương pháp tiên tiến như mô hình hóa thông tin công trình (BIM) và các ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý dự án. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc tại các cơ quan ban ngành, tập đoàn/tổng công ty trong và ngoài nước trong lĩnh vực xây dựng.
Ngành Thiết kế Vi mạch có chương trình đào tạo hướng tới giúp sinh viên phát triển kỹ năng toàn diện để có thể gia nhập vào đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Điểm mạnh của chương trình đào tạo là được cập nhật liên tục theo sự phát triển của công nghệ vi mạch trên thế giới. Một số môn học trong chương trình đào tạo được thiết kế liên quan đến các công nghệ tiên tiến trên thế giới và luôn cập nhật như vi điều khiển, FPGA và SoC,...
Sinh viên hoàn thành chương trình học có thể tham gia ngay vào khâu thiết kế vi mạch Back-end như layout hay kiểm tra vi mạch và khâu thiết kế Front-end cho một số vi mạch số và tương tự có độ phức tạp thấp; đảm nhận các vị trí như kỹ sư thiết kế, kỹ sư phát triển sản phẩm, kỹ sư sản xuất, kỹ sư kiểm định vi mạch và kỹ sư ứng dụng hệ thống vi mạch. Những cơ hội việc làm này thường có tại các công ty nghiên cứu và phát triển, các tổ chức sản xuất phần cứng và phần mềm, cũng như các công ty đa quốc gia trong ngành công nghệ cao.