Giáo sư Phan Văn Tân và cộng sự tại ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN và Ban Quản lý TW các dự án Thủy lợi, Bộ NN& PTNT, trong nghiên cứu đầu tiên về hạn chớp nhoáng ở Việt Nam đã tìm thấy sự biến động theo không gian và thời gian của một số đặc trưng hạn chớp nhoáng giai đoạn 1961-2020.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng số liệu độ ẩm đất lớp đất tầng rễ (0-100 cm) tái phân tích ERA5 của Trung tâm Dự báo hạn vừa châu Âu (ECMWF) để xác định đặc trưng của hạn chớp nhoáng và hai khía cạnh quan trọng nhất là khởi phát nhanh (tính chớp nhoáng - flash) và thiếu hụt nước (hạn hán - drought). Họ đã phát hiện ra, số đợt hạn chớp nhoáng phân bố không đồng đều ở các vùng và có sự biến động theo thời gian. Số đợt hạn chớp nhoáng hằng năm dao động trong khoảng từ 1,5 đến 5 đợt và tần suất xuất hiện nhiều hơn trong khoảng tháng 4-10 và ít hơn trong khoảng từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Đáng chú ý, vào các tháng mùa hè, sự luân phiên các ngày nắng và mưa là tiền đề cho sự sụt giảm độ ẩm đất nhanh (tính chớp nhoáng cao) nên khả năng xuất hiện hạn chớp nhoáng cao hơn.

Nhìn chung, khu vực phía Nam và vùng Tây Bắc Bộ có số đợt hạn chớp nhoáng ít hơn so với các vùng còn lại; Trung Bộ là khu vực có số đợt hạn chớp nhoáng trung bình năm cao nhất. Tuy khu vực phía Nam có số đợt hạn ít hơn phía Bắc nhưng độ kéo dài đợt hạn dài hơn nên kéo theo mức độ khắc nghiệt lớn hơn. Khu vực phía Nam và vùng Tây Bắc cũng ghi nhận xu thế tăng ở tất cả các đặc trưng của hạn chớp nhoáng.