Nhóm các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Văn Lang, ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Hutech TPHCM, đã tìm hiểu về chất lượng nước bề mặt của sông Sài Gòn để xem liệu có nguy cơ rủi ro nào cho sức khỏe con người và hệ sinh thái hay không.

Khu trung tâm quận 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) bên bờ sông Sài Gòn
Khu trung tâm quận 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) bên bờ sông Sài Gòn

Thông thường, sự ô nhiễm nước sông bao hàm nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có các nguyên tố độc hại tiềm năng. Các nhà nghiên cứu cho rằng có thể định lượng được mức độ ô nhiễm thông qua nghiên cứu nước, đây là cơ sở để đánh giá tác động tiềm năng lên hệ sinh thái và sức khỏe con người thông qua các số liệu biểu thị nguy cơ sinh thái (RI) và nguy hại đến sức khỏe con người (HI). Để tính được nguy cơ, các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu nước mặt sông Sài Gòn theo hai mùa là mùa mưa và mùa khô và đem đi phân tích, Kết quả cho thấy có kim loại vết như đồng, crom, măng gan, niken và chì trong các mẫu nước đó. Trong sáu nguyên tố, đồng đáng chú ý khi có mức độ cao ở hai chỉ số, 87,7% với RI và 12,5% với HI. Các giá trị này đều có tương quan mật thiết đến mùa trong năm, trong đó mùa khô cao hơn mùa mưa. Giá trị HI cho thấy có tiềm năng ảnh hưởng sức khỏe trẻ em vì các em thuộc nhóm nhạy cảm với ô nhiễm kim loại vết. Và về tổng thể, ô nhiễm kim loại vết trong nước mặt của sông ở mức nguy cơ trung bình với hệ sinh thái trong mùa khô và thấp trong mùa mưa. Do đó, ảnh hưởng tiềm năng của kim loại vết lên trẻ em có thể được sử dụng để đánh giá tác động lên sức khỏe trẻ em theo mùa.

Kết quả nghiên cứu được nêu trong bài báo “Seasonal Assessment of Ecological and Human Health Risks of Trace Metals in the Saigon River Surface Water, Vietnam” (Đánh giá theo mùa nguy cơ với sức khỏe con người và sinh thái của các kim loại vết trong nước mặt sông Sài Gòn), xuất bản trên tạp chíCLEAN - Soil Air Water.