Khoa học công nghệ giúp tăng năng suất yếu tố tổng (TFP). Tại Việt Nam TFP góp phần vào tăng trưởng GDP trong cả giai đoạn 2011 – 2015 sẽ vào khoảng hơn 28%.


Thông tin này được đưa ra tại hội thảo "Xác định đóng góp của khoa học công nghệ vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam" do Viện Năng suất Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, Bộ KH&CN tổ chức ngày 4/12.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Quốc Khánh đã chủ trì và phát biểu khai mạc hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội thảo
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội thảo

Trình bày tham luận tại hội thảo, PGS.TS. Vũ Minh Khương - Đại học Quốc gia Singapore nhìn nhận khoa học công nghệ có đóng góp vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia và rất dễ để người dân cảm nhận được.

Dẫn ra ví dụ từ Singapore, ông Khương cho biết đối với việc kiểm tra chất lượng nguồn nước chỉ cần các địa phương lắp đặt con chip từ đầu nguồn để đo được chỉ số ô nhiễm và báo về trung tâm. Như vậy mỗi sáng thức dậy nhà quản lý chỉ cần nhìn đồng hồ sẽ biết ngay chỉ số ô nhiễm của toàn bộ các đồng hồ trong tỉnh. Từ đây họ sẽ biết được được khu vực nào bị ô nhiễm và có giải pháp phù hợp.

“Phải làm sao cho toàn thể xã hội chuyển động theo xu hướng rất mạnh mẽ. Thế giới đang làm thế nào, Việt Nam nên cố gắng áp dụng chuẩn mực như thế”, PGS - TS. Vũ Minh Khương gợi ý.

Theo ông Khương, cần áp dụng công nghệ, tự động hóa để mỗi người làm việc năng suất lao động gấp nhiều lần hiện tại. Có nhiều con đường để đi đến kết quả này và với Việt Nam lợi thế là nước đi sau, lạc hậu nên có thể áp dụng nguyên lý Lợi thế lạc hậu. Tức lợi thế của những nước đi sau, khoảng cách lạc hậu càng xa càng học hỏi được nhiều. Theo đó, các nước đi sau có thể khai thác khoảng cách công nghệ của mình so với thế giới để đẩy nhanh công cuộc bắt kịp.

“Khoảng cách càng xa (càng lạc hậu về công nghệ) càng có khả năng đạt được nhiều thành công ấn tượng trong nỗ lực này. Nghèo tức là còn kho kiến thức vàng cần phải học hỏi. Đây là thời kỳ Việt Nam đã làm được khá nhiều tuy chưa có đột biến lớn”, PGS - TS. Vũ Minh Khương nói.

Chia sẻ với quan điểm của GS Khương, nhiều ý kiến tại hội thảo nhấn mạnh vai trò của khoa học công nghệ đối với sự phát triển kinh tế xã hội.

Nói như Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, sự thành công thần kỳ của các nước Đông Á trong phát triển kinh tế, khởi đầu bởi Nhật Bản, Hàn Quốc… đều dựa trên cách thức khá giống nhau, trong đó, khoa học công nghệ đều được coi là động lực chủ đạo. Thực tế cho thấy, quốc gia nào khai thác tốt hơn động lực khoa học công nghệ đều đã đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ và trở thành các nền kinh tế hàng đầu trong khu vực và trên thế giới.

Đóng góp của khoa học công nghệ vào tăng trưởng kinh tế được biểu hiện thông qua chỉ số năng suất yếu tố tổng hợp - TFP, trong đó TFP được tính bằng lượng giá trị gia tăng trên một đơn vị tổng hợp các yếu tố đầu vào là vốn và lao động. Nếu với nguồn lực (vốn và lao động) không thay đổi nhưng tạo ra được giá trị đầu ra lớn hơn, thì phần lớn hơn đó là từ cải tiến năng suất dựa trên ứng dụng công nghệ tiên tiến hơn và mức gia tăng hiệu quả sử dụng, hoặc sử dụng thiết bị và lao động tốt hơn.

“Do đó, tăng TFP có thể được coi là một sự cải tiến trong hiệu quả của công nghệ sản xuất và tiến bộ công nghệ trong tăng trưởng kinh tế” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.

Con số của Tổng cục Thống kê chỉ rõ đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP của Việt Nam trong cả giai đoạn 2011 – 2015 vào khoảng hơn 28%. Tỷ trọng đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế trong những năm qua đang có xu hướng tăng cho thấy yếu tố đầu vào là vốn và lao động của nước ta đang được sử dụng hiệu quả hơn trong việc tạo ra kết quả đầu ra.

Đây là sự chuyển biến tích cực của nền kinh tế theo hướng tập trung vào chất lượng tăng trưởng. Đó là nâng cao chất lượng lao động, chất lượng về vốn, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ và tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực có hiệu quả kinh tế cao hơn.