Ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất đã chắp đôi cánh đưa Hàn Quốc, Singapore có những bước tiến thần kỳ, trở thành những “con rồng của châu Á”, bắt kịp trình độ phát triển của các nước tiên tiến trên thế giới trong thời gian ngắn.
Đột phá năng suất lao động nhờ KH&CN
Sự đột phá năng suất lao động nhờ KH&CN trên quy mô rộng lớn đầu tiên phải kể đến là cuộc cách mạng công nghiệp Anh cuối thế kỷ 18. Với những phát minh quan trọng như thoi bay vào năm 1733, máy dệt vải vào năm 1785 và máy hơi nước vào năm 1785… đã làm tăng năng suất lao động trung bình lên khoảng 0,5 phần trăm.
Tới cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai, năng suất lao động còn tăng vọt hơn nữa. Trong suốt những năm 1850-1910, riêng động cơ hơi nước và động cơ điện đã làm tăng năng suất lao động trung bình lên tới 0,34 phần trăm. Nhờ ứng dụng các phát minh công nghệ đã đưa ngành sản xuất công nghiệp của các nước như Anh, Mỹ, Đức, Nga và Pháp chiếm 72 phần trăm tổng sản lượng của toàn thế giới.
Bắt đầu từ những năm 1990 đến nay, nhiều nước trên thế giới tập trung đầu tư vào lĩnh vực robot và công nghệ thông tin (IT).
Theo khảo sát của Hiệp hội Robot quốc tế đối với 14 ngành công nghiệp ở 17 nước phát triển trên thế giới trong những năm 1993-2007 cho thấy, việc sử dụng robot trong sản xuất đã làm tăng năng suất lao động và thu nhập bình quân đầu người lần lượt là 0,36 và 0,37 phần trăm. Hiệu quả đó không kém gì việc tăng năng suất lao động của ngành đường sắt trong thế kỷ 19 và đường cao tốc ở Mỹ trong thế kỷ 20.
Trong khi đó, theo Tạp chí Harvard Business Review, cuộc cách mạng về IT và việc ứng dụng IT trong sản xuất làm tăng năng suất lao động ở châu Âu, Mỹ và Nhật Bản trong những năm 1995-2005 với chỉ số trung bình tới 0,6 phần trăm - cao gấp gần 2 lần so với robot. Một nghiên cứu tại Anh năm 2013 còn cho thấy, các ứng dụng về IT còn giúp lao động văn phòng của nước này tăng 84 phần trăm năng suất lao động trong suốt 4 thập kỷ qua.
Có thể nói, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất đã chứng tỏ được hiệu năng quan trọng trong việc tăng cao năng suất lao động, giảm thời gian, chi phí sản xuất, cải thiện đời sống cho người lao động và phát triển đất nước giàu mạnh.
Kinh nghiệm từ các “con rồng châu Á”
Ở khu vực châu Á, Hàn Quốc - một trong những nước được mệnh danh là “con rồng châu Á” - có bước phát triển thần kỳ trong thời gian ngắn nhờ áp dụng KH&CN để nâng cao năng suất lao động.
Cách đây 50 năm, Hàn Quốc còn nghèo hơn Bolivia hay Mozambique. Nhưng ngày nay, họ giàu hơn cả New Zealand và Tây Ban Nha, với thu nhập bình quân đầu người năm 2014 đạt 23.000USD, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 50 năm qua đạt trung bình 7 phần trăm/năm.
Một trong những động lực chắp cánh cho sự phát triển thần kỳ của kinh tế Hàn Quốc chính là nhờ chính sách đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), thúc đẩy các doanh nghiệp đổi mới và ứng dụng KH&CN vào sản xuất.
Từ chỗ phụ thuộc vào nguồn cung công nghệ ở nước ngoài, Hàn Quốc dần dần đã trở thành nước có khả năng xuất khẩu các mặt hàng công nghệ ngay từ những năm 1970 nhờ chính sách kết hợp giữa học hỏi công nghệ bên ngoài và phát triển nghiên cứu trong nước. Số tiền Hàn Quốc chi cho R&D không ngừng tăng lên - từ 9,5 triệu USD vào năm 1963 lên tới 33,7 tỷ USD vào năm 2007 và trở thành nước có đầu tư cho R&D lớn thứ sáu trong tổng số 34 nước thành viên của tổ chức OECD trong năm 2007, lớn thứ ba trong năm 2011. Các doanh nghiệp tư nhân chiếm hơn 70 phần trăm số kinh phí đầu tư cho R&D, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng và phát triển sản phẩm mới.
Kết quả ứng dụng KH&CN có tác động đáng kể với việc nâng cao năng suất lao động của Hàn Quốc - một yếu tố quan trọng của tăng trưởng kinh tế.
Theo báo cáo của Viện Chính sách KH&CN Hàn Quốc tại hội thảo “Phát triển kinh tế toàn cầu” do Ngân hàng Thế giới tổ chức năm 2010 cho thấy, R&D góp phần tăng năng suất lao động của Hàn Quốc khoảng từ 0,133-0,199 phần trăm trong những năm 1971-1990, tương đương với mức khá của các nước OECD.
“Hàn Quốc mất 4 thập kỷ để bắt kịp 1 thế kỷ phát triển của các nước công nghiệp phương Tây. Chính đổi mới công nghệ là một trong những yếu tố đem lại sự thần kỳ cho Hàn Quốc” - Sungchul Chung, nghiên cứu viên thuộc Viện Chính sách KH&CN Hàn Quốc - nhận định.
Cũng giống như Hàn Quốc, vào những năm đầu thập niên 1960, Singapore nghèo, tài nguyên thiên nhiên ít, dân số lại nhỏ và nạn thất nghiệp tràn lan. Nhưng chỉ sau 40 năm, nước này vươn lên nhanh chóng. Cùng với đòn bẩy quan trọng là thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, Singapore cũng có những đầu tư mũi nhọn vào chiến lược sử dụng KH&CN vào sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực điện tử tiêu dùng. Từ năm 1960, ngành sản xuất điện tử của Singapore có doanh thu 17,1 triệu USD, đến năm 2001 đạt 62,2 tỷ USD.
“Singapore sớm nhìn ra các lĩnh vực công nghiệp cụ thể làm đầu tàu cho nền kinh tế, trong đó có ngành công nghiệp điện tử, bán dẫn” - ông Cheong Boon - Giám đốc điều hành tập đoàn JTC nói.
Đáng chú ý, một trong những kinh nghiệm quan trọng để tăng trường kinh tế nhanh và bền vững của Singapore là tập trung vào đào tạo trình độ KH&CN cho lực lượng lao động. Từ năm 1969, Bộ Giáo dục Singapore đã tuyên bố rằng, tất cả các học sinh cấp hai của nước này phải có 2 năm đào tạo công nghệ bắt buộc. Từ đó, lực lượng lao động có tay nghề với trình độ KH&CN cao, cùng khả năng làm chủ trong môi trường làm việc tiên tiến.