Trong tháng 11, Bộ Công Thương phải hoàn thành dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng suất lao động Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các phó thủ tướng. Theo các nghiên cứu, điểm nghẽn nhất của tăng trưởng là vấn đề công nghệ.
Nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó, năng suất lao động (NSLĐ) thấp như một chỉ dấu về sự tăng trưởng không bền vững. Phân tích của CIEM (Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương) trong giai đoạn 2005–2010 cho thấy, có tới 75% trong TFP (chỉ số phản ánh hiệu quả của việc sử dụng vốn và lao động để gia tăng kết quả đầu ra bằng các giải pháp quản lý, khoa học, kỹ thuật), 23% liên quan đến thay đổi mang tính kỹ thuật như môi trường kinh doanh, đầu tư và chỉ 2% cho liên quan khác.
Kết quả trên cho thấy, ngay cả khi cố gắng cải thiện môi trường kinh doanh, nước ta cũng chỉ cải thiện được trong khoảng 23% và điểm nghẽn nhất vẫn là công nghệ.
Năng suất thấp
Không tiếp nhận thêm lao động được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra như một giải pháp xử lý vấn đề năng suất bên cạnh mức tăng sản lượng điện tiềm năng. Tuy nhiên, tìm lời giải bài toán năng suất lao động thực không đơn giản khi nhìn vào thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của EVN. Nếu lấy con số điện lượng phát ra cho nền kinh tế hằng năm (khoảng 120 tỷ kWh) chia cho 110.000 người được biên chế của EVN hiện nay thì một người chỉ quản lý chưa đến 1.000 kWh điện, một mức NSLĐ quá thấp so với khu vực và thế giới.
Những vấn đề liên quan đến NSLĐ của EVN đã tồn tại nhiều năm, bởi nước ta vẫn duy trì “độc quyền tự nhiên”. Nhưng nhìn ra ngành điện thế giới, có sự khác biệt lớn. Họ tính NSLĐ trên số lượng người tham gia sản xuất một MW điện, nên một người quản lý hàng chục MW điện, có nơi còn cao hơn. Hệ thống hóa côngtơ bằng một trung tâm chỉ huy hiện đại, điều khiển từ xa được các nước trên thế giới thực hiện từ nhiều năm nay, khác cách ghi mức điện năng tiêu thụ của EVN lâu nay.
Ghi số côngtơ điện theo phương pháp thủ công...
Có thể thấy, EVN là một ví dụ điển hình về NSLĐ thấp trong một nền kinh tế có quy mô lao động lớn mà tốc độ tăng NSLĐ đang giảm. Báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương cuối năm ngoái ghi nhận, giai đoạn 2002-2007, NSLĐ tăng trung bình 5,2% mỗi năm, nhưng từ suy thoái kinh tế năm 2008 đến nay, tốc độ tăng chậm lại, chỉ còn 3,3%. Chất lượng lao động chính là một trong những nguyên nhân khiến năng suất thấp. Khoảng 45% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp hầu hết chưa qua đào tạo và chỉ có 18,38% lao động có bằng cấp, chứng chỉ qua đào tạo, trong đó có 7% là lực lượng lao động có bằng đại học trở lên.
Liên quan đến NSLĐ thấp, không thể bỏ qua yếu tố tiền lương, giá cả sức lao động. Tiền lương trong các doanh nghiệp (DN) hiện nay chưa phải là kết quả của quá trình thương lượng, thỏa thuận giữa người lao động và chủ sử dụng lao động, chưa dựa trên năng suất, chất lượng, hiệu quả của lao động cũng như hoạt động của DN. Một số nhà kinh tế cho rằng, tốc độ tăng tiền lương thực tế và GDP đạt mức khoảng 70% là hợp lý, song trên thực tế lại cho thấy tăng trưởng kinh tế chưa được chia xứng đáng cho người lao động.
Báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - công bố tháng 8/2015 cho thấy, Việt Nam vẫn duy trì liên tục tốc độ tăng trưởng NSLĐ trung bình như trong giai đoạn 2007-2012. Với tốc độ này, phải đến năm 2038 Việt Nam mới bắt kịp NSLĐ của Philippines và đến năm 2069 mới bắt kịp NSLĐ của Thái Lan, trong khi khoảng cách với Trung Quốc lại gia tăng đáng kể.
TS Trần Toàn Thắng - Phó ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh - CIEM - cho hay, công nghệ không chỉ là “điểm nghẽn” của tăng trưởng kinh tế, của năng suất lao động năm nay mà đã có từ nhiều năm trước. TFP hiện nay chiếm khoảng 25% trong tăng trưởng, còn lại là do vốn và lao động.
NSLĐ thấp bắt nguồn từ thực trạng công nghệ của nước ta. Bỏ qua những DN nhỏ không đòi hỏi công nghệ cao, nhưng theo TS Thắng, Việt Nam thực sự thiếu vắng những DN lớn có công nghệ ngang tầm hay sát với mức trung bình của thế giới. Thay đổi được công nghệ phụ thuộc vào quá trình tích lũy được vốn, nhưng từ năm 2011 đến nay, hầu hết DN chao đảo, sống được đã là khó, tính tới đầu tư dài hạn lại càng khó hơn, không có động lực để đầu tư dài hạn.
... và ghi số côngtơ điện có ứng dụng công nghệ. Ảnh: Việt Hòa
Một điểm nữa, nước ta ký nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), ưu tiên thu hút vốn FDI với hi vọng DN nước ngoài vào sẽ mang theo công nghệ, nhưng mặt trái của các chủ trương, chính sách này lâu nay ít được đề cập. Việc ký nhiều hiệp định và ưu đãi thái quá cho khu vực FDI trong một thời gian dài đã và đang khuyến khích các DN sử dụng nhiều lao động trong nước, làm hạn chế sức ép lên các DN FDI trong việc đầu tư công nghệ tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, một vài DN FDI mang công nghệ cao vào Việt Nam, nhưng sức lan tỏa trong nền kinh tế rất thấp. Với các nhà đầu tư nước ngoài, lợi nhuận là quan trọng. Họ sẽ không đầu tư công nghệ trong điều kiện dùng công nghệ thấp, sử dụng lao động giá rẻ vẫn đạt được lợi nhuận tối đa. Như vậy, “công nghệ sẽ tiếp tục là điểm nghẽn của nền kinh tế trong tương lai” - TS Thắng nói.
Thực tế, chính sách phát triển công nghệ không theo kịp các chuyển biến trong nền kinh tế, nhất là các chính sách kinh tế gắn với nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN). Các chính sách KH&CN - về mặt giấy tờ, nước ta đã đề ra được khá nhiều chương trình hỗ trợ cho DN, như thành lập các quỹ KH&CN quốc gia, giảm thuế thu nhập đối với các DN đầu tư…
Tuy nhiên, quá trình thực thi các chính sách lại phụ thuộc vào năng lực của Nhà nước và trên thực tế, “Nhà nước không đủ năng lực để thực hiện những chính sách đề ra”. Ví dụ, quỹ KH&CN trong 3 năm chỉ có 800 tỉ đồng. Đây là số tiền không lớn nếu so với vốn đầu tư một dây chuyền công nghệ, chưa kể đến việc “rải mành mành” cho tất cả các loại hình DN.
Các chính sách đang chồng chéo lên nhau, điều hành của Nhà nước đang đi ngược lại những chính sách đề ra đã tác động rất lớn đến nền kinh tế và DN. Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, nhưng số DN nắm bắt được thông tin hội nhập rất ít, biết về KH&CN càng ít hơn. Hầu hết DN không biết những hỗ trợ về mặt chính sách của Nhà nước. Theo điều tra của CIEM, tỷ lệ DN biết đến các quỹ liên quan đến đổi mới KH&CN rất hạn chế. TS Thắng chỉ rõ: “Hai nguyên nhân đang làm tăng gánh nặng của DN là hạn chế trong việc chuyển tải thông tin và thúc đẩy tận thu ngân sách”.
Giáo sư Nguyễn Quang Thái - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Việt Nam và các cộng sự từng tính toán TFP cho ba khu vực: Kinh tế nhà nước, ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Kết quả cho thấy, đóng góp của TFP vào tăng trưởng của khu vực sở hữu nhà nước là lớn nhất (19% so với 17,5% của khu vực ngoài quốc doanh và âm ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài). Chính nhóm nghiên cứu cũng nghi ngờ điều này khi đối chiếu với những gì quan sát được trong thực tế. Tăng trưởng gần đây chủ yếu nhờ vào sự đóng góp của đầu tư nước ngoài. Trải thảm đỏ thu hút FDI, các nhà làm chính sách kỳ vọng ba điều: Luồng tiền vào, lao động và công nghệ, nhưng đến nay, hầu hết là công nghệ lạc hậu, còn tăng trưởng lao động, năm nhiều nhất chỉ đạt 3,6%.
Tăng trưởng được tạo nên từ sự đóng góp của lao động, vốn và phần dư ra, được xem như TFP. Nó không chỉ bao gồm sự thay đổi về quy trình công nghệ mà còn bao gồm các yếu tố khác như: Phương thức quản lý, kết quả của chính sách và cả các sai số do số liệu đầu vào. Một điều dễ nhận thấy là vai trò của thay đổi công nghệ rất khó tách bạch với vai trò của đầu tư.