Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 (Industry 4.0 Summit 2019), các diễn giả trong Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng” một lần nữa khắng định xu hướng không thể đảo ngược trong lĩnh vực năng động này.

Ảnh: PV
Ảnh: PV

Chuyển đổi mô hình hoàn toàn

Theo số liệu trích dẫn của ngân hàng nhà nước (NHNN) về tiềm năng ứng dụng ngân hàng số tại Việt Nam, hơn 88% khách hàng hiện tại của ngân hàng hiện nay thuộc thế hệ X (SN 1961-1980) và thế hệ Y (1981-1995). Nhưng chỉ 10 năm nữa, thế hệ Z (1995+) thế hệ lớn lên gắn với Internet, smartphone, mạng xã hội, công nghệ 4.0… mà hiện nay mới chỉ chiếm 4% lượng khách hàng sẽ trở thành nhóm chủ lực trên thị trường. Ngay cả thế, tốc độ chấp nhận công nghệ đang lan tỏa nhanh chóng ở mọi thế hệ Việt Nam và đòi hỏi sử dụng các dịch vụ mang tính “số hóa” cao sẽ không chỉ giới hạn trong giới trẻ. Các thế hệ X, Y, Z đang lần lượt chiếm trên 19%, 25%, 40% dân số.

“Chúng tôi nhận ra rằng phải lựa chọn chuyển đổi số hay là chết”, ông Phạm Anh Tuấn, Ủy viên hội đồng quản trị Vietcombank, khẳng định. Hầu hết các ngân hàng khác đồng tình với ý kiến này. Khảo sát vào tháng 4/2018 của NHNN cho thấy 94% ngân hàng đã bước đầu triển khai hoặc đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó 59% ngân hàng đã bắt đầu triển khai trên thực tế.

Công nghệ có thể sẵn sàng, nhưng thay đổi tư duy mới là điều cốt yếu

Hiện nay, lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng đang là một trong những người dẫn đầu cuộc chơi trong quá trình chuyển đổi số quốc gia. Nơi đây tập trung tiềm lực tốt nhất về cơ sở hạ tầng thông tin hiện đại, nhân lực chất lượng cao và nguồn tiền bạc dồi dào.

Không chỉ ngân hàng, các trung gian thanh toán như NAPAS, công ty fintech, tập đoàn tài chính đều mạnh tay đầu tư vào các công nghệ mới liên quan đến việc số hóa như điện toán nhận thức, điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, học máy, chuỗi khối, sinh trắc học, cơ chế trao đổi dữ liệu mở (Open API), bảo mật dữ liệu…

“TP Bank đang triển khai những máy Kiosk LiveBank hoạt động liên tục 24/7 như một kênh thay thế quầy giao dịch truyền thống”, theo ông Trần Hoài Nam, Giám đốc ngân hàng số của TPBank. Các thiết bị này tích hợp một số công nghệ như video call, nhận diện quang học ORC, nhận diện vân tay và khuôn mặt, quay vòng tiền mặt và có khả năng làm nhiều nhiệm vụ như bán hàng, chăm sóc khách hàng, thu thập tiền, truyền tải dữ liệu … Đại diện ngân hàng cho biết tốc độ phát triển của kênh thay thế này gấp 50 lần tốc độ phát triển của phòng giao dịch truyền thống, chỉ mất 12 tiếng để thiết lập hệ thống tại bất kì vị trí nào và giảm được chi phí vận hành, giảm các loại chi phí vận hành và lỗi của con người.

Bên cạnh đó, các công ty công nghệ lớn như CMC, FPT, Cisco… tiết lộ đang tư vấn và cung cấp giải pháp công nghệ cho một số ngân hàng lớn của Việt Nam trong việc chuyển đổi với nhiều cách tiếp cận khác nhau.

Không chỉ riêng Việt Nam, các quốc gia xung quanh trong tiến trình số hóa ngân hàng đều đang đứng trước áp lực phải có khung pháp lý cân bằng được cả hai mục tiêu: kịp thời hỗ trợ đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh ứng dụng các đổi mới sáng tạo vào cuộc sống; đồng thời phải đảm bảo sự ổn định thị trường tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các bên tham gia.

Tuy nhiên nếu chuyển đổi số chỉ đơn thuần là công nghệ thì bất kỳ ngân hàng nào cũng có thể dùng tiềm lực tài chính để sở hữu. Điều khó khăn hơn là “Các ngân hàng khi muốn hướng tới chuyển đổi số thì phải dám thay đổi, dám cắt bỏ những quy trình phức tạp đã tồn đọng ở ngân hàng 20-30 năm nay. Việc thay đổi tư duy sẽ dẫn đến thay đổi cơ cấu tổ chức cũng như cách vận hành của ngân hàng”, ông Trần Hoài Nam (TP Bank) nhấn mạnh.

Vietcombank là ví dụ cho một ngân hàng lớn đã đi từng bước bài bản trong nỗ lực thay đổi. Dự án ngân hàng số của ngân hàng đã bắt đầu từ tháng 4/2019, bắt đầu bằng việc rà soát lại toàn bộ hoạt động của các khối và thuê chuyên gia tư vấn, dựa trên các báo cáo để lựa chọn mô hình ngân hàng số thích hợp, lựa chọn phân khúc khách hàng và phạm vi cho sản phẩm đặc biệt mới và đánh giá khoảng trống về công nghệ. Từ đó tạo ra lộ trình chuyển đổi (roadmap) đến năm 2025 sẽ “tiệm cận ngân hàng 3.0”. Chỉ sau 6 tháng, việc vận hành sắp sửa diễn ra.

“Có sáu nguyên tắc thực hiện được đặt ra mà nhân viên các cấp của chúng tôi đều phải tuân theo. Việc chuyển đổi số là quá trình lâu dài và sẽ không dừng ở khối nào, cả bán lẻ, bán buôn, đầu tư… “, Ông Phạm Anh Tuấn (Vietcombank) nhấn mạnh. “Chúng tôi không coi chuyển đổi số như một dự án công nghệ thông tin, mà là một chiến lược phát triển. Việc hành động là trên hết”.

Nhận diện rủi ro

Đối với lĩnh vực tài chính-ngân hàng, rủi ro pháp lý là một trong những rào cản lớn. Ông Bruce Delteil, Phó Chủ tịch công ty tư vấn toàn cầu McKinsey&Company cho rằng việc chuyển đổi số ngân hàng có hai động lực chính là Công nghệ-Dữ liệu (Technology&Data) và Khuôn khổ pháp lý (Regulation) của mỗi quốc gia. Đặc biệt với khuôn khổ pháp lý, phải đảm bảo làm sao để vừa có khả năng theo dõi, quản lý nhưng vẫn nhận diện được rủi ro trước khi có thể phát triển tới một mức độ cao hơn. Quan trọng nhất, khuôn khổ phải phù hợp và hiệu quả với những chủ thể tham gia.

Khu vực công đã có những chuyển đổi để ủng hộ quá trình này. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh NHNN hỗ trợ chuyển đổi số thông qua bốn định hướng chủ yếu là: Hoàn thiện cơ chế chính sách cho ngân hàng trong điều kiện CMCN4; Xây dựng hạ tầng công nghệ đồng bộ, có khả năng kết nối với các ngành khác; Ưu tiên đầu tư, ứng dụng các công nghệ 4.0 trong đó lấy thanh toán số là cửa ngõ để kết nối với các dịch vụ khác và giao lưu với hệ sinh thái bên ngoài; Nguồn nhân lực chất lượng cao là nhân tố quyết định trong chuyển đổi số, chú trọng đào tạo và đào tại lại để thích ứng.

NHNN cho biết từ năm 2017 đã thành lập Ban chỉ đạo về Fintech và nghiên cứu trình Thủ tướng các Khuôn khổ pháp lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox) cho fintech; Định danh khách hàng điện tử (eKYC); xây dựng Bộ tiêu chuẩn thẻ chíp, Tiêu chuẩn cơ sở về QRCode; Sửa đổi Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt,…

Ông Trần Quốc Anh, Giám đốc khối Khách hàng cá nhân của HD Bank cho biết, Vietjet thuộc hệ thống tài chính của họ, nên rất dễ nhìn thấy những cơ hội từ hàng chục triệu lượt khách du lịch đến Việt Nam mỗi năm mà công nghệ của ngân hàng số có thể đáp ứng, nhưng “chưa có đủ hành lang pháp lý cho người nước ngoài sử dụng tiền nước khác để thanh toán ở Việt Nam”. Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT LienvietPostBank cũng chia sẻ “hiện trong nước có hàng chục ví điện tử nhưng không có ví nào nhìn thấy nhau, vẫn phải ‘vòng qua’ Internet Banking”, do đó cần có những quy định về token để cho phép thanh toán giữa các ví với nhau, hay giữa khách hàng Việt Nam với quốc tế. Đây chỉ là hai trong số rất nhiều ví dụ.

Tính chất phức tạp và sự phát triển quá nhanh của ngành công nghệ tài chính, ngân hàng số đặt ra áp lực rất lớn cho các nhà hoạch định chính sách, không chỉ của NHNN. Ví dụ, để thực hiện được eKYC - yếu tố cửa ngõ đầu vào cho ngân hàng số - cần phải có Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an) và cơ chế chia sẻ dữ liệu (Bộ TT&TT) cho phép kết nối mở với các ngành dịch vụ như ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm…

Do vậy, sự thay đổi về thể chế để đạt được hiệu quả sẽ cần diễn ra đồng thời, trên nhiều mặt và với tốc độ nhanh hơn.