Học viên đến từ các doanh nghiệp có thể lường trước để giảm rủi ro trong thương mại hóa tài sản trí tuệ (TSTT) sau khi tham gia khóa đào tạo về quản trị TSTT trong doanh nghiệp.
Khóa đào tạo có chủ đề thương hiệu, nhãn hiệu và các TSTT của doanh nghiệp do Trung tâm Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN (STAS) thuộc Cục Công tác phía Nam Bộ KH&CN tổ chức ngày 23 – 25/8 tại TPHCM, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và các tổ chức thực hiện việc quản trị TSTT.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung – Trưởng Bộ phận tư vấn quản trị TSTT của STAS, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc quản trị TSTT hoặc có triển khai nhưng chưa trọn vẹn; dẫn đến khi bị thất thoát TSTT hoặc bị sao chép thì mới tìm đến giải pháp khắc phục vấn đề.
Bà Nhung cũng cho biết, các kết quả khảo sát của STAS cho thấy việc truyền thông về các chương trình đào tạo và chính sách bảo hộ, phát triển TSTT vẫn chưa đến được với tất cả doanh nghiệp. Vì vậy, STAS tiếp tục triển khai tiếp chương trình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về bảo hộ và phát triển TSTT cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong năm 2019, sau hai năm 2017-2018.
Tham gia khóa học, các học viên được trang bị các kiến thức về: Nhận biết các TSTT và quyền sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp; Vai trò của thương hiệu; Các chỉ dẫn thương mại giúp bồi tụ các sắc thái giá trị khác nhau của thương hiệu và nhãn hiệu; Quản trị bí mật kinh doanh; Phương thức bảo hộ giá trị của thương hiệu và nhãn hiệu; Các phương pháp thẩm định giá nhãn hiệu; … Qua đó, giúp các doanh nghiệp nhận biết mối tương quan giữa nhãn hiệu, thương hiệu với các tài sản vô hình khác để xây dựng bền vững thương hiệu, nhãn hiệu. Đồng thời, kiểm nghiệm lại các rủi ro của nhãn hiệu, thương hiệu mà doanh nghiệp đã và đang triển khai.
Bà Nhung cho rằng, để giảm các rủi ro trong quá trình thương mại hóa các TSTT, doanh nghiệp nên xem xét lại một cách có hệ thống các công tác quản trị TSTT của mình từ việc giao dịch sản phẩm có bản quyền, thỏa thuận hợp tác bảo mật với tác giả, bảo mật thông tin không tiết lộ, kiểm soát quyền có được từ các hợp đồng hợp tác/liên kết,… bằng cách đưa ra các quy trình, mẫu biểu trong tác nghiệp để kiểm soát, nắm giữ các TSTT nhằm đạt được kết quả thương mại lớn nhất.
“Tuy nhiên, đây không phải là công việc của từng cá nhân hay một bộ phận mà cần có sự kết hợp của cả tập thể” – bà Nhung nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thái Hải Lâm, Công ty VISSAN, học viên khóa đào tạo cho biết, khóa học rất bổ ích cho doanh nghiệp, đặc biệt là người làm công tác chuyên môn về quản trị TSTT vì nội dung các bài giảng được trình bày sinh động, đi sâu vào thực tế, cụ thể từng vấn đề, giúp học viên biết được cần phải làm những gì để bảo vệ được TSTT cho doanh nghiệp mình. “Sau khi gặp phải những vấn đề liên quan đến TSTT, VISSAN đã quan tâm hơn và cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo về TSTT để phục vụ cho việc quản trị TSTT của doanh nghiệp được tốt hơn” – ông Lâm chia sẻ.
Ông Vũ Nhật Tân – Công ty Gốm sứ Việt, thì cho biết, do mới chỉ tìm hiểu kiến thức về quản trị TSTT qua các tài liệu nên ông đã tham gia ngay sau khi biết có khóa đào tạo. “Những khóa học như thế này cần được tổ chức thường xuyên để các doanh nghiệp có chuyên môn sâu hơn về quản trị TSTT” – theo ông Tân