Nhiều doanh nghiệp đã phải trả giá đắt khi xuất khẩu hàng hóa nhưng chưa quan tâm đến bảo hộ nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp ở các thị trường nước ngoài.
Tại hội thảo “Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu cho doanh nghiệp Việt Nam” diễn ra vào ngày 5/7/2019 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam (VIPA), Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa quan tâm đến việc bảo hộ nhãn hiệu hoặc kiểu dáng công nghiệp ở nước ngoài, gây nhiều rủi ro khi xuất khẩu hàng hóa ra các thị trường quốc tế. “Việc tăng cường bảo hộ tài sản trí tuệ ở các thị trường nước ngoài là điều hết sức cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam vừa tham gia hiệp định EVFTA hiện nay”, ông Lộc nhấn mạnh.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI phát biểu trong hội thảo. Nguồn: VIPA
Một số bài học tiêu biểu như cà phê Buôn Ma Thuột, thuốc lá Vinataba, võng xếp Duy Lợi,… đều là những thương hiệu nổi tiếng ở Việt Nam nhưng khi xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài lại không quan tâm đến việc đăng ký bảo hộ nên bị các cá nhân, tổ chức khác giành quyền đăng ký trước. Hậu quả là các doanh nghiệp này phải mất rất nhiều thời gian và tiền bạc mới giành lại được nhãn hiệu, như Vinataba đã tốn hàng tỷ đồng để đòi lại nhãn hiệu ở các thị trường ở Campuchia, Indonesia, Trung Quốc,…
Để giúp doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn về các quy trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp ở nước ngoài, các chuyên gia của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Cục Sở hữu trí tuệ và Hiệp hội Nhãn hiệu Quốc tế (INTA) đã giới thiệu cách nộp đơn thông qua thỏa ước Madrid về nhãn hiệu và thỏa ước La Haye về kiểu dáng công nghiệp Thông qua các thỏa ước này, doanh nghiệp chỉ cần nộp một đơn quốc tế duy nhất cho Văn phòng quốc tế của WIPO, vừa đơn giản lại giúp tiết kiệm thời gian, chi phí.
Thanh An