Đó là thông tin từ công bố “Đánh giá về thực tiễn quản lý, tác động môi trường và rủi ro phơi nhiễm của con người liên quan đến rác thải điện và điện tử tại Việt Nam: kết quả từ các nghiên cứu điển hình tại các khu vực tái chế rác thải điện tử phi chính thức” đăng trên tạp chí Environmental Geochemistry and Health, tháng 6 năm 2023.
Trong công bố này, nhóm tác giả đã tiến hành một cuộc khảo sát tài liệu về các hoạt động quản lý, hoạt động xử lý chất thải điện tử và các tác động bất lợi ở Việt Nam, bằng cách thu thập dữ liệu từ các bài báo được bình duyệt xuất bản từ năm 2009 đến năm 2021. Đây là bài báo đầu tiên đánh giá để thảo luận toàn diện về các khía cạnh quản lý và nghiên cứu liên quan đến chất thải điện tử ở một quốc gia đang phát triển ở châu Á. Do thiếu hệ thống quản lý và tái chế hiệu quả, một phần rác thải điện tử đã được xử lý tại các khu vực phi chính thức mà không có công nghệ tái chế và kiểm soát ô nhiễm, dẫn đến ô nhiễm cục bộ, cũng như nhiều người xử lý rác thải tiếp xúc với hóa chất độc hại. Các hoạt động xử lý thô sơ, chẳng hạn như tháo dỡ thủ công, đốt lộ thiên và tái chế nhựa là những nguyên nhân quan trọng góp phần gây phát thải môi trường và khiến con người tiếp xúc với các nguyên tố độc hại (đặc biệt là các kim loại nặng như Asen, Mangan, Niken, chì…) và các chất hữu cơ khó phân hủy như chất chống cháy, PAHs, PCBs, và các hợp chất liên quan đến dioxin. Thực tế này cho thấy nhu cầu cấp thiết phải xây dựng các phương pháp quản lý chất thải điện tử nhằm tăng hiệu quả tái chế và giảm thiểu tác động đến sức khỏe và môi trường.
B Như