Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư còn hạn chế, các nhà nghiên cứu về chất lượng không khí ở Việt Nam đã phải tìm mọi cách để có thể duy trì mạch nghiên cứu của mình.
Ông Mai Trọng Thái - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội - trao đổi với kỹ thuật viên quan trắc về chất lượng không khí Hà Nội. Ảnh: Hoàng Minh
Thoạt nhìn bên ngoài, thật khó hình dung một cơ sở nghiên cứu những lĩnh vực khoa học hạt nhân như Viện KH&KT hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) lại có liên quan đến những công trình nghiên cứu về chất lượng không khí ở Việt Nam. Với những người làm ở đây, dù nghiên cứu về các chất trong không khí có tính phóng xạ hay không phóng xạ, thì kết quả đạt được vẫn là những chỉ số về chất lượng không khí trong từng vị trí, không gian và thời gian khác nhau. “Từ hàng chục năm trước, giáo sư Phạm Duy Hiển đã đưa kỹ thuật hạt nhân vào nghiên cứu môi trường một cách bài bản, từ xác định thành phần nguồn bằng kỹ thuật hạt nhân, xử lý các dữ liệu này đến việc tìm hiểu cơ chế lan truyền thông qua mô phỏng bằng các mô hình phát tán trong không khí. Đây là cơ sở để từ năm 1998, các nhà khoa học của Viện tham gia dự án hợp tác vùng về ô nhiễm không khí của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Có thể nói, đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên của Việt Nam về ô nhiễm không khí”, TS. Nguyễn Hào Quang, nguyên Viện phó Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và là một nhà nghiên cứu về phóng xạ môi trường giàu kinh nghiệm, nói.
20 năm sau, nghiên cứu về chất lượng không khí đã xuất hiện ở nhiều trường đại học và viện nghiên cứu theo nhiều hướng phong phú, đa dạng để có thể phản ánh được muôn mặt phức tạp của chất lượng không khí. So với nhiều lĩnh vực khác, dường như chất lượng không khí ‘nóng’ hơn và có khả năng thu hút sự chú ý của mọi người hơn bởi rõ ràng, ô nhiễm không khí hiện diện ở khắp nơi, từ trong nước ra đến quốc tế. Vậy chắc hẳn lĩnh vực chất lượng không khí có được sự chú trọng đầu tư của các nhà quản lý? “Hiện nay nghiên cứu về chất lượng không khí ở Việt Nam vẫn chưa được quan tâm một cách thực sự. Các nhà khoa học ít được các nhà quản lý ‘đặt hàng’, giao nhiệm vụ. Mỗi người, mỗi nhóm thường chỉ phát triển các nghiên cứu một cách tự phát và vì vậy, đóng góp lớn nhất của họ vẫn chỉ là đóng góp vào kho tri thức chung mà chưa thể giải quyết được các bài toán cụ thể xã hội cần”, câu trả lời của TS. Nguyễn Hào Quang đề cập đến một thực trạng đang tồn tại một cách phổ biến trong nghiên cứu về chất lượng không khí.
Việc đầu tư cho nghiên cứu không liền mạch và thiếu hệ thống, từng nhà nghiên cứu Việt Nam cũng chỉ có thể làm theo thế mạnh của mình và ít có điều kiện hợp tác với nhau để giải quyết một vấn đề lớn của chất lượng không khí.
Nhà quản lý và nhà khoa học chưa hiểu nhau
Có lẽ, khó ai hiểu được nỗi niềm của những nhà nghiên cứu về chất lượng không khí hơn chính họ. “Với ô nhiễm không khí, mỗi nhóm có thể áp dụng nhiều kỹ thuật khác nhau, triển khai nghiên cứu theo các hướng khác nhau và đem lại nhiều kết quả khác nhau. Thế nhưng các nhà quản lý thì dường như không muốn hiểu điều đó, họ cứ cho là mình cứ theo mãi một vấn đề không thay đổi. Rõ ràng, họ không khuyến khích nhà nghiên cứu đào sâu một vấn đề, thành ra việc đầu tư cho nghiên cứu thường ít khi đến đầu đến đũa”, TS. Vương Thu Bắc (Viện KH&KT hạt nhân) rút ra nhận xét sau quá trình 20 năm nghiên cứu chất lượng không khí. Đây là lý do vì sao mà sau các đề tài KH&CN cấp nhà nước do anh làm chủ nhiệm như “Ô nhiễm bụi hô hấp có phân biệt kích thước hạt trong môi trường khí đô thị và môi trường sản xuất” (1998-1999), “Nghiên cứu xác định các yếu tố tác động đến ô nhiễm bụi hô hấp PM10 trong quá trình công nghiệp hóa (2000-2001)…, anh và đồng nghiệp đều khó ‘xin’ thêm đề tài để tiếp tục hướng nghiên cứu của mình.
Đó cũng là tình trạng chung mà nhiều nhà nghiên cứu ở các nơi khác cũng gặp phải. Khi chưa có được bài toán lớn do các nhà quản lý “đặt hàng”, các nhà nghiên cứu thường cùng chọn cách là đề xuất ý tưởng nghiên cứu hằng năm. Tuy nhiên không phải bao giờ họ cũng thành công. “Ngày trước cũng có người phát biểu là ‘không còn gì để nghiên cứu về bụi ở Hà Nội nữa’. Nếu không tìm hiểu kỹ thì ai đó cũng có thể nói ‘tại sao mỗi hạt bụi mà cứ phải nghiên cứu đi nghiên cứu lại’. Trên thực tế thì nó giống như một đối tượng nghiên cứu quan trọng, cần phải hiểu nó thật kỹ lưỡng trên nhiều khía cạnh”, TS. Lý Bích Thủy (Viện KH&CN Môi trường, ĐH Bách khoa HN), một nhà nghiên cứu về hạt bụi ở các phân khúc kích thước khác nhau trong không khí, giải thích lý do vì sao các nhà khoa học cần duy trì hướng nghiên cứu của mình.
Giữa các nhà quản lý và các nhà nghiên cứu về chất lượng không khí có một khoảng cách mà ở đó, mỗi bên đều bị “mắc lại” ở bờ bên kia nên không thể gặp gỡ và trao đổi với nhau một cách thấu đáo. TS. Nguyễn Hào Quang thử lý giải một nguyên nhân khiến các nhà quản lý còn tạm xếp các đề xuất ‘từ dưới lên’ lại: “Có thể là các nhà quản lý thấy đề xuất mình nêu nó không sát với yêu cầu của họ hoặc đề xuất còn chưa rõ, còn thiên về nghiên cứu cơ bản nên chưa thấy ngay tác động của nghiên cứu với thực tiễn, chưa thấy nghiên cứu có thể hỗ trợ công việc quản lý của mình”.
TS. Vương Thu Bắc (thứ hai từ trái sang) làm việc với các nhà nghiên cứu quốc tế. Nguồn: NVCC
Mặt khác, có thể là cách nhìn nhận và đánh giá vấn đề của hai bên hoàn toàn khác nhau. Hiện tại, các nhà quản lý môi trường mới “chỉ cần biết đến hiện trạng môi trường thông qua quan trắc và dừng lại ở đó để thông tin cho người dân biết thôi chứ chưa quan tâm thực sự đến nguyên nhân ô nhiễm, tần suất ô nhiễm, các nguồn đóng góp… để có thể giảm thiểu ô nhiễm từ đầu vào, trong khi các nhà khoa học cần được đầu tư nghiên cứu và cần có thời gian để tìm được câu trả lời cho những vấn đề đó”, anh giải thích.
Vì vậy, mới xảy ra chuyện hằng năm đưa đề xuất nghiên cứu về chất lượng không khí lên thì “họ bảo ‘các anh nên đưa nó sang phần môi trường’ nhưng bên môi trường lại bảo ‘các anh phải đưa về nghiên cứu”. TS Nguyễn Hào Quang cho biết. “Cứ bị ‘đánh đu đánh võng’ như thế, cuối cùng thì nhà khoa học cũng chẳng có điều kiện làm gì nữa; trong khi trên thế giới, nghiên cứu về chất lượng không khí được duy trì một cách liên tục, hết chương trình này khép lại thì có chương trình khác mở ra. Nhờ vậy, dữ liệu nghiên cứu mới được bổ sung và nhà nghiên cứu có thể sẵn sàng tư vấn cho các nhà quản lý khi cần thiết”.
Sự khác biệt trong quan điểm đầu tư cho nghiên cứu khiến ngành môi trường từng có lúc không đủ số liệu quan trắc, dù họ rất coi trọng số liệu. Đó là trường hợp thiết bị quan trắc ở Tổng cục Môi trường “không chỉ đo được bụi mà còn đo được cả SO2, NOx, VOCs… và cả điều kiện khí tượng”, TS. Hoàng Dương Tùng cho biết. “Rất khó đề nghị lãnh đạo cấp kinh phí vận hành máy, hồi trước chúng tôi xin mãi mới được 40% nên nếu không may hỏng hóc thì lấy đâu thay. Cho nên phải làm đơn giải trình mãi mới được phê duyệt kinh phí, nhanh cũng phải bốn tháng và quãng thời gian đó không có số liệu”. Có một điều khiến TS Hoàng Dương Tùng cảm thấy rất buồn khi còn làm việc ở Tổng cục Môi trường là đôi khi, các nhà quản lý “chưa quan tâm đến giá trị của số liệu lắm đâu, ít ai hỏi tôi ‘nó nói lên điều gì’. Họ chỉ thấy mỗi một điều sao cái trạm quan trắc nó tốn tiền thế”.
Tình trạng này cũng được TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, thừa nhận: phần vì “lượng kinh phí dành cho ngành môi trường cũng có hạn, khi phân bổ cho nghiên cứu về không khí thì cũng chỉ có một khoản nào đó thôi”, phần vì “không phải nhà quản lý nào cũng thấy được giá trị lâu dài của số liệu, của nghiên cứu”.
Chính việc đầu tư cho nghiên cứu không liền mạch và thiếu hệ thống, từng nhà nghiên cứu Việt Nam cũng chỉ có thể làm theo thế mạnh của mình và ít có điều kiện hợp tác với nhau để giải quyết một vấn đề lớn của chất lượng không khí. “Những hợp tác giữa các nhà nghiên cứu mới chỉ ở mức nhờ phân tích mẫu thu được thôi chứ còn liên kết với nhau và phân ra mỗi bên phụ trách một mảng công việc trong một nhiệm vụ lớn thì gần như chưa có,” TS. Nguyễn Hào Quang nói.
Tìm nguồn tài trợ từ quốc tế
Khi nguồn lực đầu tư trong nước còn hạn hẹp thì giải pháp được các nhà nghiên cứu ưu tiên hàng đầu là mở rộng các mối quan hệ, hợp tác quốc tế để có thể tham gia vào các dự án nghiên cứu quốc tế, qua đó duy trì được mạch nghiên cứu và năng lực nghiên cứu của mình. Điều này cũng có phần tương tự như giai đoạn đầu nghiên cứu về hợp chất hữu cơ khó phân hủy (POPs) của các nhà khoa học Việt Nam, “kinh phí đầu tư cho nghiên cứu ở khắp mọi nơi là từ quốc tế” theo chia sẻ năm 2017 của PGS. TS Dương Hồng Anh (Phòng thí nghiệm trọng điểm CN phân tích phục vụ kiểm định môi trường và an toàn thực phẩm ĐHQGHN).
Điểm mặt các nhóm nghiên cứu ở Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Công nghệ (ĐHQGHN), ĐH Bách khoa HN, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam…, hầu như ai cũng chọn cách làm này. “Thông thường nghiên cứu ô nhiễm không khí bài bản đòi hỏi nguồn kinh phí không hề nhỏ, trong khi đó các nhà khoa học thường khó tiếp cận với nguồn kinh phí của các bộ, ngành và còn nhiều bất cập trong cơ chế quản lý tài chính. Vì vậy tôi vẫn thường tìm kiếm cơ hội hợp tác nghiên cứu với các nhà khoa học, các tổ chức của Anh, Mỹ, Đức và Hàn Quốc. Viện KH&CN Hàn Quốc (KIST), nơi tôi làm nghiên cứu sinh trước đây, có chính sách rất hay là hằng năm có một khoản đầu tư dành cho các cựu học viên, tuy không nhiều nhưng lại mang ý nghĩa lớn cho nghiên cứu khoa học cơ bản”, PGS. TS Hoàng Anh Lê, trưởng bộ môn Quản lý môi trường, trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN), chia sẻ về cách mình tự tìm nguồn đầu tư trong nghiên cứu.
Nhiều năm qua, TS Vương Thu Bắc và cộng sự đã lựa chọn “cách làm dễ” này hơn là gửi hồ sơ tới các sở KH&CN, sở TN&MT các tỉnh. “Tôi vẫn theo dự án hợp tác vùng RAS của IAEA về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong quản lý ô nhiễm không khí vì tham gia dự án, mình được hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nhân lực, làm quen với các kỹ thuật mới trong phân tích mẫu, thậm chí là cung cấp trang thiết bị…” Tính ra, anh là người gần như duy nhất của Việt Nam tham gia nhiều giai đoạn của RAS nhất như IAEA RAS/8/082, IAEA RAS/7/013, RAS/7/015, RAS/7023, RAS/7029 từ năm 1998 đến 2018.
Rõ ràng, có một điểm thuận lợi mà ai cũng nhận thấy khi tham gia các dự án quốc tế là “làm việc với họ thì mình được tiếp cận và kế thừa phương pháp nghiên cứu rất mới của họ. Mặt khác, kết quả nghiên cứu rất đáng tin cậy vì thiết bị họ cung cấp cho mình cũng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tính ra rất ‘có lợi’ vì mình có thể hoàn toàn tự tin cùng họ viết công bố”, TS. Lý Bích Thủy nhận xét. Hai công bố mới đây của chị về đặc điểm hạt bụi PM2.5 và hợp chất hữu cơ dễ bay hơi VOCs trên Aerosol and Air Quality Research và Chemosphere đều xuất phát từ những hợp tác với Nhật Bản.
Tuy nhiên, không phải bao giờ việc hợp tác quốc tế cũng hoàn hảo. TS. Vương Thu Bắc đề cập đến điểm bất lợi của việc thực hiện nghiên cứu từ dự án hợp tác quốc tế: “Mình cứ lẽo đẽo theo dự án này đến dự án khác, tìm mọi cách để đồng hành cùng họ trên cương vị là điều phối viên dự án của Việt Nam nhưng trên thực tế thì mình không thể dùng tiền của họ để triển khai công việc của mình mãi được. Phải có vốn đối ứng mới có thể nghiên cứu vấn đề mình mong muốn. Chúng tôi biết vậy nhưng lực bất tòng tâm”. Vừa rồi, Việt Nam đã để lỡ một cơ hội tham gia một dự án đánh giá ô nhiễm không khí do các hoạt động công nghiệp trong khu vực giai đoạn 2018-2020 (pha 1) khi dự án RAS kết thúc vào năm 2018, “Rất tiếc vì mình không xin được kinh phí đối ứng nên đành thôi”, anh nói.
Về lâu dài, việc phụ thuộc vào hợp tác quốc tế sẽ để lại những vấn đề không nhỏ với phát triển nghiên cứu về chất lượng không khí bởi không phải ai cũng “may mắn” như TS. Lý Bích Thủy. TS. Nguyễn Thị Trang Nhung (trường Đại học Y tế Công cộng), người hiếm hoi đi sâu về ảnh hưởng của ô nhiễm không khí lên sức khỏe ở Việt Nam, cho rằng, nếu Việt Nam không thể tự đầu tư cho nghiên cứu và hình thành những nhóm nghiên cứu mạnh thì có thể “chúng ta chỉ làm một việc là lấy số liệu phục vụ nghiên cứu của các trường đại học nước ngoài hoặc, các quốc gia đầu tư cho nghiên cứu mà ít được chủ động tham gia thiết kế nghiên cứu và viết bài xuất bản. Đó là một kiểu ‘thực dân khoa học’, nhưng ngặt một nỗi là mình khó vượt khỏi điều đó nếu còn lệ thuộc vào kinh phí nghiên cứu của họ”. Theo lý giải của chị, nếu không thể chủ động làm được điều cốt yếu của một nhóm nghiên cứu là triển khai các đề tài và viết báo thì rất có thể “các bạn trẻ mà mình gửi sang nước ngoài làm nghiên cứu sinh có thể lại ra đi hoặc có ở lại cũng bị ảnh hưởng đến khả năng nghiên cứu”, chị nói thêm.
Điểm sáng
Giữa những gam màu tối, bức tranh đầu tư cho nghiên cứu chất lượng không khí ở Việt Nam cũng xuất hiện điểm sáng mới và đem lại hi vọng cho các nhà nghiên cứu. Một vài năm gần đây, Quỹ NAFOSTED (Bộ KH&CN) đã bắt đầu triển khai đầu tư vào một số đề tài về ô nhiễm không khí thông qua chương trình nghiên cứu cơ bản cũng như chương trình hợp tác quốc tế. Cơ chế tài trợ thông thoáng và quyết định tài trợ dựa trên đánh giá của hội đồng khoa học ngành về đề xuất nghiên cứu đã mở cửa cho các nhà khoa học, đặc biệt là nhà khoa học trẻ, cơ hội thực hiện các nghiên cứu. Hầu hết các nhà khoa học mà Tia Sáng trao đổi như TS. Lý Bích Thủy, TS. Lê Hữu Tuyến, PGS. TS Hoàng Anh Lê, TS. Nguyễn Thị Trang Nhung… đều có những đề tài đầu tiên do NAFOSTED tài trợ, trong đó có đề tài theo những hướng rất mới của thế giới như tìm hiểu về tác động của chất PAHs trên dòng tế bào của TS Lê Hữu Tuyến. Để thực hiện một nghiên cứu vừa có thể giải quyết một vấn đề của Việt Nam nhưng vẫn đảm bảo tiêu chí công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín không dễ nhưng việc nhận được tài trợ để toàn tâm toàn ý theo đuổi vấn đề mình tâm huyết là niềm vui lớn của họ.
Những chuyển biến tích cực ấy dù chưa nhiều nhưng đang dần lan tỏa, nó hướng nhà nghiên cứu nghĩ về những dự tính xa hơn và khả năng mang lại nhiều đóng góp thiết thực hơn. Ví dụ, PGS. TS Hoàng Anh Lê đang nghĩ đến việc cần phải dành thời gian cho việc kiểm kê phát thải từ nguồn giao thông, công nghiệp, xây dựng, đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng ở nhóm nghiên cứu ô nhiễm khí quyển (VARG) mà anh mới thành lập. Trong ý tưởng nghiên cứu của mình, anh còn đặt một “lịch trình” tìm hiểu về các mô hình dự báo ô nhiễm không khí để có thể dự báo khả năng ô nhiễm trong tương lai gần, điều mà các nhà khoa học quốc tế thực hiện rất nhiều nhưng còn mới mẻ ở Việt Nam. “Để làm được điều đó, cần phải tìm hiểu rất sâu về hóa học và vật lý khí quyển, kiểm kê được nguồn thải... Và như thế các nhà khoa học và các nhà quản lý cần ngồi lại với nhau và cùng bắt tay hợp tác để giải quyết vấn đề”.□
Nhiều người cho rằng, nhà khoa học Việt Nam chỉ chờ nhà quản lý rót kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu mà không năng động, gặp gỡ các nhà quản lý ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác và đề nghị hợp tác để cùng giải quyết vấn đề họ quan tâm. Trên thực tế, việc đầu tư kinh phí để giải quyết những vấn đề thực tế phụ thuộc rất nhiều vào độ sẵn sàng của các nhà quản lý. “Vì nghĩ là mình có năng lực, có thiết bị để góp phần xử lý nghiên cứu vấn đề môi trường nên nhiều lần tôi tự đến một số nơi như các Sở KH&CN, Viện Bảo hộ lao động, Hội nghị liên bộ…, gặp gỡ lãnh đạo, tổ chức hội thảo, seminar giới thiệu năng lực để nếu các nhà quản lý thấy cần thiết có thể phối hợp”. Nhưng cuối cùng mọi chuyện lại trôi qua, rất khó hợp tác. Có thể mình không đề xuất vấn đề không đúng thời điểm chăng”, TS. Vương Thu Bắc kể lại những nỗ lực hợp tác ngoài ngành bất thành.