Trong cuộc chiến chống ô nhiễm và cải thiện chất lượng không khí, việc giảm một nguồn phát thải nhỏ, phân tán như bếp than tổ ong không phải là vấn đề đơn giản.
Mối nguy không thể làm ngơ
Trong vài năm gần đây, ô nhiễm không khí trở thành nỗi lo lắng của người dân và chính quyền Thủ đô Hà Nội và tình trạng này đặc biệt căng thẳng khi đỉnh điểm là các chỉ số quan trắc không khí trong vài tháng vừa qua liên tục chạm hoặc vượt ngưỡng nguy hại. Trước sự quan tâm của dư luận, UBND thành phố đã "gọi tên" 12 nguồn chính gây ô nhiễm không khí, trong đó có kể đến nguồn thải từ việc đun bếp than tổ ong (BTTO).
Theo số liệu khảo sát Chi cục Môi trường, Sở TN&MT Hà Nội cuối năm 2017, tổng số lượng bếp BTTO trên địa bàn thành phố khoảng 55.000 chiếc, trong đó 63% số bếp ở khu vực nội thành, nơi mật độ dân cư có thể lên tới vài chục nghìn người/km2. Mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ trung bình khoảng 528,2 tấn than - đồng nghĩa việc bầu không khí phải gánh chịu lượng khí thải khổng lồ, dẫn đến một loạt các hệ lụy về sức khỏe và môi trường.
Bếp than tổ ong đã len lỏi vào đời sống dân cư Hà Nội và trở thành thói quen của nhiều người chi phí rẻ, đun nấu tiện lợi. Tuy vậy, than tổ ong được ví như sát thủ thầm lặng bởi nó đã gây ra không ít trường hợp cấp cứu, tử vong thương tâm do để bếp trong nhà kín gây ngạt khí CO, SO2...
Chuyên gia y tế cũng khuyến cáo việc tiếp xúc thường xuyên với khí thải từ than tổ ong còn gây ra các bệnh hô hấp mãn tĩnh như lao, hen suyễn, bệnh phối tắc nghẽn mạn tính hoặc những tổn thương về cơ tim và hệ thần kinh. Đã có người sử dụng bếp gas hàng ngày nhưng vẫn bị hen không kiểm soát được, bởi nhà hàng xóm đối diện làm hàng ăn và sử dụng BTTO.
Nghiên cứu năm 2018 của Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường trực thuộc trường ĐH Bách khoa Hà Nội (INEST) và Sở TN&MT Hà Nội cho thấy lượng bụi mịn PM2.5 mà người trực tiếp sử dụng BTTO đun nấu cao hơn 7-8 lần so với người đứng cách xa vài mét, dẫn đến nguy cơ phơi nhiễm cao hơn.
Mặc dù Hà Nội không có số liệu cụ thể về số người tử vong liên quan đến BTTO, nhưng trên thế giới, báo cáo của WHO (Burning Opportunity, 2016) đã ước tính trên toàn cầu chỉ riêng việc nấu ăn trong nhà bằng các bếp ô nhiễm gây ra khoảng 500.000 ca tử vong sớm trong số 3,9 triệu ca tử vong sớm mỗi năm vì ô nhiễm không khí xung quanh. Như thế, nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe lên hàng trăm, ngàn người ở mỗi thành phố có sử dụng bếp ô nhiễm, thậm chí gây tử vong là điều không thể phủ nhận. WHO cũng chỉ ra đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất thường là nhóm yếu thế như phụ nữ và trẻ em.
Do vậy từ năm 2016, chính quyền Hà Nội đặt mục tiêu đến hết 31/12/2020 phải xóa bỏ hoàn toàn BTTO trên địa bàn thành phố. Trong 2 năm qua, Sở TN&MT đã phối hợp với các cơ quan hành chính, viện nghiên cứu và tổ chức hoạt động vì môi trường tiến hành các nghiên cứu đánh giá tác động, tìm kiến giải pháp thay thế than tổ ong, vận động tuyên truyền người dân hạn chế hoặc không sử dụng BTTO, thí điểm sử dụng bếp và nhiên liệu thân thiện với môi trường tại hai quận nội thành.
Kết quả khảo sát đối với 600 hộ dân thuộc tại 3 quận, huyện (Sóc Sơn, Đống Đa, Ba Đình) cho thấy cơ cấu sử dụng BTTO là Sinh hoạt hộ gia đình (53%); Kinh doanh hàng ăn (31%), Quán nước (10%), Nấu thức ăn gia súc gia cầm (6%). Các quận huyện đã tập trung vào hai nhóm đối tượng đầu tiên để vận động thay đổi.
Theo kết quả cập nhật đến tháng 10/2019, số lượng BTTO ở Hà Nội mới giảm được khoảng 59,8% so với cuối năm 2017, nghĩa là còn khoảng 22.100 bếp cần xóa bỏ trong hơn 1 năm tiếp theo.
Nhỏ nhưng không dễ xóa
Về cơ bản, những người chịu tổn hại nhất khi sử dụng BTTO lại là những người nghèo khổ, có thu nhập thấp. Mặc dù BTTO có nhiều tác hại đến môi trường và sức khỏe nhưng xóa bỏ chúng lại không hề dễ dàng, bởi nó liên quan đến sinh kế và hành vi đã thành thói quen của người dân.
BTTO có ưu điểm giá thành thấp (khoảng 100.000 -200.000 đồng/bếp), nguyên liệu rẻ (15.000-25.000 đồng/ngày), dễ mua, và nhỏ gọn linh hoạt nên hộ gia đình thu nhập thấp và hộ kinh doanh nhỏ lẻ vẫn sử dụng khá phổ biến.
Trong năm 2018, Sở TN&MT Hà Nội đã lựa chọn quận Ba Đình và Hoàn Kiếm tổ chức thí điểm mô hình tuyên truyền tác hại của bếp than tổ ong, đồng thời phối hợp cùng nhiều doanh nghiệp sản xuất bếp cải tiến sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường giới thiệu các mẫu bếp thay thế. Các hộ dân tham gia chương trình được hỗ trợ 1 tháng dùng thử bếp cải tiến miễn phí và hỗ trợ 10%-40% kinh phí mua bếp.
Đại diện quận Hoàn Kiếm cho biết chương trình đã đem lại hiệu quả: 300 hộ dân được hỗ trợ đổi sang bếp mới và 84 người dân ở phường Chương Dương và Phúc Tân được khám sức khỏe. Bếp cũ được tái sinh bỏ đi thành chậu hoa cho các trường mầm non, tiểu học, giúp các em tăng nhận thức về môi trường. Đến tháng 10/2019, quận Hoàn Kiếm đã giảm 65,5% số BTTO so với đầu năm 2018.
Tương tự tại quận Ba Đình, việc vận động người dân không dùng bếp than tổ ong và chương trình đổi bếp đã giúp giảm trên 2.000 bếp trên tổng số 3.950 bếp tại địa bàn quận từ đầu năm 2018.
“Tuy nhiên, lượng bếp còn lại mới thực sự là thách thức”, đại diện quận Hoàn Kiếm chia sẻ tại buổi hướng dẫn triển khai Chỉ thị 15/CT-UBND ngày 30/10/2019 về thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong của Sở TN&MT ngày 28/11 vừa qua.
Thói quen sử dụng bếp than tổ ong của người dân đã tồn tại lâu, để thay đổi cần phải cung cấp cho họ phương án thay thế hợp lý. Đa phần người dân đều nhận thức được sự nguy hại đến sức khỏe mà bếp than tổ ong mang lại, tuy nhiên do lợi ích kinh tế “siêu rẻ”, nhiều hộ biết độc hại nhưng vẫn sử dụng. Bếp điện, bếp từ và bếp gas được coi khá đắt và gây ảnh hưởng lớn đến sinh kế.
Các loại bếp thân thiện môi trường vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi, sau ít ngày thí điểm quận Ba Đình phản ánh các gia đình trả lại bếp bởi khó sử dụng, khó đáp ứng nguồn nguyên liệu.
Một người dân sử dụng bếp cho biết “Bếp cải tiến cứ sau 15 – 25 phút lại phải “canh” để tiếp nguyên liệu 1 lần, giá nguyên liệu từ 3.500 – 4.000 đồng/kg chỉ cháy trong khoảng 2 tiếng, mà mua nguyên liệu cũng chưa thuận lợi, phải gọi điện trước đặt hàng, nếu nhiều hộ sử dụng thì công ty mới đặt điểm cung cấp. Bếp cũng khó bê đi qua lại hơn so với bếp than tổ ong, khi cháy còn đen nồi”. Các nhà sản xuất bếp đun cải tiến cần tiếp tục nghiên cứu công nghệ và kênh phân phối để tạo ra các sản phẩm phù hợp nhu cầu hơn.
Khi hỏi về quan điểm xóa bỏ BTTO, đa số ý kiến đều ủng hộ việc xóa sổ bếp sẽ bảo vệ môi trường, nhưng mức độ sẵn sàng thay đổi của họ lại khác nhau. Mặc dù than tổ ong đại diện cho chi phí rẻ, điều đó không có nghĩa là mọi hộ gia đình, hộ kinh doanh đang sử dụng BTTO đều là người nghèo, không có khả năng chi trả cao hơn cho các bếp thay thế. Nhiều phản hồi luôn nhắc đến việc chính quyền có phương án hỗ trợ tài chính cho người kinh doanh.
“Thực sự có những hộ còn khó khăn, chưa đủ điều kiện để đổi sang các loại bếp điện, bếp ga. Nhưng trong những buổi tuyên truyền với người dân, đôi khi chúng tôi cũng phải hỏi lại ‘Thế anh chị đã kinh doanh cửa hàng như thế thì còn than khó khăn gì ở đây’,” một tuyên truyền viên quận Hoàn Kiếm chia sẻ. Có thể nói, nhận thức của người dân về tác hại của ô nhiễm môi trường và trácnh nhiệm cộng đồng còn chưa được rõ ràng.
Thêm vào đó, không phải người dân nào sử dụng BTTO cũng nhìn rõ chi phí đánh đổi của nó. Việc sử dụng BTTO có thể tiết kiệm được vài nghìn mỗi ngày, nhưng chi phí bỏ ra để bảo vệ sức khỏe của chính mình và mọi người xung quanh có thể lớn hơn rất nhiều. Về dài hạn, đây không phải là phương án “kinh tế”. Chính vì vậy, việc cấm bếp than tổ ong trở thành chủ trương cấp thiết cần triển khai và thực hiện sớm để môi trường không khí cho người dân được trở nên trong sạch.
Sự quyết tâm của chính quyền là điều cực kỳ quan trọng nhưng tính cam kết để thực thi các chính sách cũng không kém phần quan trọng. Ai sẽ thực hiện chính sách? Đó là tất cả mọi công dân, với mục đích chung rằng chúng ta phải hành động cho chính mình, đừng chờ đợi ai cả.
Lộ trình và Hành động của chính quyền Hà Nội:
Sở TN&MT Hà Nội dự kiến tổ chức tập huấn chuyên sâu cho toàn bộ UBND các quận, huyện trong đầu tháng 12/2019, để địa phương tự xây dựng kế hoạch thay thế và loại bỏ BTTO phù hợp trước ngày 31/12/2019. Buổi tập huấn có sự tham gia của các chuyên gia quốc tế UK và nhiều tổ chức bảo bệ môi trường trong nước như Live&Learn, Green Hub, nhằm cung cấp các công cụ và mô hình định lượng LEAP IBC để địa phương có thể nạp số liệu cơ bản, từ đó tính được tác động của việc sử dụng BTTO trên địa bàn mình, từ đó đưa ra giải pháp, hành động, và khuyến cáo một cách khoa học. Các kế hoạch này sẽ được triển khai trong năm 2020. Sở TN&MT sẽ định kỳ tổng hợp báo cáo UBND TP và công khai về tình hình xóa bỏ bếp than tổ ong hàng quý trên trang thông tin của thành phố.
Theo kế hoạch của Thành phố, cơ chế ưu đãi cho việc chuyển đổi BTTO sẽ có trước ngày 30/6/2020, trong đó gồm cơ chế hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho các cơ sở sản xuất than và bếp than tổ ong (Sở Công thương); cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, phân phối bếp thân thiện với môi trường (Sở Tài chính); và chính sách hỗ trợ người nghèo chuyển đổi sang sử dụng bếp thân thiện với môi trường (Sở Tài chính).
Sau ngày 1/1/2021, công an thành phố sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với đối tượng sử dụng bếp than tổ ong theo thẩm quyền và qui định pháp luật.
|