Hội nghị toàn quốc Nữ KH&CN lần thứ nhất tại khu vực phía Nam đã nhận được 30 báo cáo về các giải pháp ứng dụng công nghệ trong ngành năng lượng sạch, điện mặt trời, biogas, xử lý nước thải, quản lý môi trường,...

Ngày 2/11 tại TPHCM, Hội Nữ trí thức Việt Nam đã tổ chức Hội nghị toàn quốc Nữ KH&CN lần thứ nhất tại khu vực phía Nam với chủ đề “KH&CN với bảo vệ môi trường”.

Theo GS.TS Phan Thị Tươi, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, tác động của biến đổi khí hậu đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long ngày càng rõ nét. Nếu như năm 2016, mức thiệt hại khoảng 17 ngàn tỷ đồng, thì năm 2018, ước tính các loại hình thiên tai đã làm thiệt hại về kinh tế khoảng 15 ngàn tỷ đồng. Trong 9 tháng năm 2019, nhiều tỉnh ở khu vực này đã phải đối mặt với sạt lở; hàng ngàn ngôi nhà, gia súc, gia cầm, hoa màu,… bị nước cuốn trôi. Nghiêm trọng hơn khi TPHCM cũng là một trong những thành phố bị tác động nặng nề của biến đổi khí hậu như ngập mặn ngày càng gia tăng phạm vi, độ sâu và thời gian.

GS.TS
GS.TS Phan Thị Tươi, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam. Ảnh: KA

“Trước thực trạng đó, các tổ chức, trong đó có các nhà khoa học nữ cần đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu khoa học, chuyển giao, ứng dụng công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, góp phần chung tay bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu” – TS Tươi nhấn mạnh.

Hội nghị đã nhận được 30 báo cáo của các nhà khoa học nữ đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, bệnh viện, doanh nghiệp,… tập trung làm sáng tỏ các giải pháp ứng dụng công nghệ trong ngành năng lượng sạch, điện mặt trời, biogas, xử lý nước thải, quản lý môi trường,...

PGS.TS Nguyễn Thị Hòe, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Sơn KOVA, cho biết, nhằm góp phần bảo vệ môi trường, tận dụng phế phẩm từ nông nghiệp và làm gia tăng giá trị của cây lúa, thời gian qua, Tập đoàn Sơn KOVA đã nghiên cứu một số loại sơn nano từ vỏ trấu như sơn tự làm sạch, diệt khuẩn, chống bụi, chống cháy, chống đâm, chống đạn,... Các loại sơn này đều được người tiêu dùng trong, ngoài nước tin dùng và đánh giá cao.

Trong khi đó, Viện Môi trường và Tài nguyên Đại học Quốc gia TPHCM, Hội nước và môi trường TPHCM giới thiệu xử lý dư lượng chất kháng sinh trong nước thải bệnh viện bằng công nghệ plasma nhiệt độ thấp của các nhà khoa học. Kết quả thử nghiệm xử lý nước thải của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho thấy, hiệu suất xử lý có thể đạt 100% khi các chất kháng sinh tồn tại với nồng độ thấp. Các chỉ tiêu ô nhiễm COD, TN, N-NO3, N-NH4 đều đạt quy chuẩn xả thải. Hiệu quả khử trùng của plasma đạt 100% khi thực hiện thí nghiệm ở thời gian 10 phút tiếp xúc. Nước thải sau xử lý luôn có xu hướng ổn định về chỉ số pH với khoảng giá trị dao động từ 9 – 10.

Các báo cáo giới thiệu kết quả nghiên cứu tại Hội nghị
Giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học tại Hội nghị Ảnh: KA

Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Lạc Hồng, Đồng Nai thì nghiên cứu việc tái chế bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải của nhà máy chế biến gia cầm làm nguồn bổ sung dinh dưỡng cho quá trình ủ phân hữu cơ. Sau 20 ngày ủ, phân hữu cơ từ bùn chế biến gia cầm và rơm rạ đạt tiêu chuẩn về chất lượng phân hữu cơ. Nghiên cứu là cơ sở khoa học góp phần giảm thiểu bùn thải gây ô nhiễm môi trường, đồng thời tăng giá trị của bùn khi được tái chế.

TS Phạm Thị Thu Trang, Phó Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển năng lượng mặt trời Bách khoa, và cộng sự đã nghiên cứu thành công hệ thống giám sát năng lượng mặt trời thông minh, qua ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, có thể triển khai vào hệ thống năng lượng sạch đặc trưng của Việt Nam. Hệ thống này cho phép giám sát, thu thập dữ liệu, giúp kết nối và quản lý các hệ thống năng lượng sạch, giúp người dùng có thể dễ dàng theo dõi và quản lý, nhằm tối ưu nguồn năng lượng sử dụng. Đồng thời tiết kiệm được thời gian, nhân sự vận hành và giám sát được nhiều hệ thống cùng lúc.

Trưng bày, giới thiệu một số sản phẩm từ nghiên cứu khoa học
Trưng bày, giới thiệu một số sản phẩm từ nghiên cứu khoa học Ảnh: KA

Ngoài ra, tại Hội nghị, các tiểu ban còn trình bày các báo cáo nghiên cứu khoa học khác như: Nghiên cứu nâng cao hiệu quả sinh khí của lục bình bằng công nghệ ủ khí dạng mẻ; Đánh giá diễn biến chất lượng nước biển ven bờ khu vực Cần Giờ; Quản lý môi trường và nâng cao ý thức cộng đồng trong bảo vệ môi trường; Thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM; Mối quan hệ giữa môi trường và sinh kế trong hoạt động kinh tế biển của cư dân huyện Kiên Hải, Kiên Giang;…