Theo thông lệ, lễ công bố Nobel thường được tổ chức vào tháng 10 hàng năm, trùng với Black History Month (tháng lịch sử người da màu) tại Mỹ, Anh, Hà Lan và Ireland (riêng Canada là tháng 2) – nhằm tưởng nhớ và tôn vinh những đóng góp của cộng đồng người gốc Phi cho xã hội.
Nhưng một thực tế đáng buồn là cho đến nay, trong tổng số hơn 900 cá nhân được giải, chỉ 14 là người da màu (chiếm 1,5%), và không ai hoạt động trong lĩnh vực khoa học, còn lại tất cả đều là Nobel Hòa bình (10 giải) và Văn chương (3 giải). Lần gần đây nhất, một học giả da màu suýt có cơ hội nhận Nobel là nhà khoa học người Anh Arthur Lewis (năm 1973) với công trình nghiên cứu về kinh tế.
Trong lúc đó, một nhóm ứng viên Nobel thiểu số khác là người gốc Á lại tỏ ra rất thành công, khi đã có tới 70 cá nhân đoạt giải, chủ yếu trong lĩnh vực khoa học với số lượng gia tăng mạnh mẽ kể từ những năm 2000.
Sở dĩ có điều này là nhờ tầm ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh của các đại học Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hongkong, … bên cạnh sự đóng góp của các phân viện Mỹ tại châu Á. Danh tiếng do giải Nobel khoa học mang lại chắc chắn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho các nhà nghiên cứu được công tác tại những cơ sở hàng đầu thế giới, để thực hiện những công trình quy mô và tốn kém.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến chưa có một nhà khoa học da màu nào được trao giải Nobel? Đơn giản, đó là vì không nhiều nhân tài trẻ tuổi người da màu lựa chọn gắn bó với con đường nghiên cứu. Không kể người dân châu Phi vốn có rất ít cơ hội để phát triển do hoàn cảnh, nhưng ngay cả những người da màu sinh sống tại phương Tây cũng hiếm khi theo đuổi học vị cao và lấy khoa học làm sự nghiệp của cuộc đời.
Các nhà khoa học da màu đang thiếu những hình mẫu đặc biệt thành công để noi theo.
Ảnh: Shutterstock
Thứ nữa, để được đề cử Nobel, ứng viên thông thường là một nhà nghiên cứu chính (principal investigator) hoặc giáo sư tại một cơ sở nghiên cứu hàng đầu. Trong khi đó, các sinh viên khoa học da màu – người có ý định theo đuổi con đường nghiên cứu, lại thường gặp phải nhiều rào cản liên quan đến cơ hội thăng tiến và khả năng tiếp cận nguồn lực vật chất.
Ngoài ra, để được phong giáo sư, một nhà nghiên cứu cần được sự hỗ trợ từ phía viện, trường đại học, cộng thêm phải có các giáo sư khác công nhận thành tích khoa học cùng khả năng dẫn dắt trong lĩnh vực mình nghiên cứu. Điều này đòi hỏi ứng viên phải có một mạng lưới quan hệ học thuật rộng, ở cả bên trong lẫn bên ngoài cơ sở nghiên cứu của họ. Đây chính là một vòng luẩn quẩn, các nhà khoa học da màu thường có ít cơ hội công tác tại những viện, trường đại học danh tiếng, từ đó thiếu điều kiện để thiết lập mối quan hệ khiến khả năng được phong giáo sư của họ cũng bị giảm sút đáng kể.
Bên cạnh đó, mối định kiến cho rằng người da màu không có khả năng để đạt thành tích cao trong khoa học cũng đã phần nào làm ảnh hưởng tới sự nghiệp của các tài năng thuộc nhóm thiểu số này. Nhiều bài báo đã từng chỉ ra, rằng những hình mẫu nữ khoa học gia thành công sẽ có tác dụng khích lệ phái yếu theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu – điều hoàn toàn tương tự với người da màu. Vì thế, việc một học giả da màu được trao Nobel khoa học chắc chắn sẽ truyền cảm hứng rất mạnh mẽ cho những người trẻ tuổi đi theo đam mê khoa học.
Thời còn sinh viên, nhà nghiên cứu hoá học Winston Morgan tại Đại học East London (Anh Quốc) vẫn hay được nghe giới thiệu về công trình của các Nobel gia (thường là người da trắng) – những người được nâng tầm lên hàng vĩ nhân nhờ các đóng góp nổi bật của họ, và trở thành hình mẫu để cho sinh viên học hỏi. Bản thân Morgan cũng đã từng được truyền cảm hứng theo đuổi sự nghiệp khoa học theo cách đó.
Tuy nhiên, là một người da màu, anh sớm nhận ra, rằng con đường để đến với những thành tựu to lớn như Nobel hãy còn rất xa vời, khi có quá ít (thậm chí hầu như không) nhà khoa học da màu lọt vào danh sách đề cử. Mặc dù không nhụt chí, nhưng Morgan tin rằng, sự thật này chắc chắn đã gây ra ảnh hưởng nhất định đối với cộng đồng khoa học xung quanh anh, bao gồm các sinh viên da trắng đồng lứa, giáo sư hướng dẫn, nhà tuyển dụng từ trường đại học và ban xét duyệt ngân sách tài trợ nghiên cứu. Do đó, một giải Nobel có lẽ sẽ giúp các nhà khoa học da màu được công nhận tiềm năng và đối xử xứng đáng hơn.
Việc có thêm nhiều nhà khoa học da màu sẽ không phải chỉ là một bước tiến trên khía cạnh bình đẳng xã hội, mà còn hứa hẹn đem đến rất nhiều lợi ích. Lấy ví dụ, trong khi tỷ lệ mắc các bệnh như tiểu đường, tim mạch, ung thư, … là khá cao ở người da màu, thì những nghiên cứu trong lĩnh vực y khoa lại thường hay được thực hiện trên đối tượng người da trắng nhiều hơn.
Vì vậy, nếu có thêm nhiều nhà khoa học da màu, đặc biệt ở những cương vị đầu ngành, thì sẽ mang lại hiểu biết trong những điều kiện cụ thể và đạt nhiều hiệu quả thiết thực hơn nữa. Ngoài ra, điều đó cũng góp phần củng cố tính đa dạng và sự độc lập trong nghiên cứu khoa học – một lợi ích khác đối với xã hội.
Vậy làm sao để cải thiện cơ hội đạt giải Nobel cho các nhà khoa học da màu? Hãy cùng nhìn lại 49 nữ chủ nhân của giải thưởng, trong đó chỉ có 21 người hoạt động trong các lĩnh vực khoa học, bao gồm 3 giải vật lý, … để có thể thấy, thách thức của cộng đồng ứng viên da màu và nữ giới thực ra là ngang nhau.
Tuy nhiên, nhờ nhiều động thái và chiến dịch vận động tại các trường đại học và cơ sở nghiên cứu, số lượng các nhà khoa học nữ đang gia tăng rõ rệt, nhờ đó số nhà khoa học nữ đoạt giải tăng lên. Vì thế, hành động và chính sách tương tự cũng hoàn toàn có thể được áp dụng để khuyến khích các nhà khoa học da màu.
Kể từ năm 1901 đã có 369 nhà khoa học thuộc 127 viện nghiên cứu của nước Mỹ về các lĩnh vực vật lý, hoá học, y học và kinh tế đoạt giải thưởng Nobel. Con số này chiếm trên một nửa số giải thưởng được trao. Để so sánh: cũng trong thời gian trên đã có 72 nhà khoa học Đức làm việc tại 54 viện nghiên cứu của Đức được giải thưởng Nobel. Nhưng theo dự báo thì từ 2025 các nhà khoa học Đức sẽ có nhiều cơ hội giành được giải thưởng Nobel hơn các nhà khoa học Mỹ.
Phải chăng công tác nghiên cứu ở Mỹ đang xấu đi? Không nhất thiết như vậy. Các nhà khoa học ở đó có xu hướng tập trung ít hơn vào các lĩnh vực vật lý, hoá học hay y học, đây là các lĩnh vực ngày càng khó có được những tiến bộ về khoa học hơn. “Họ chú ý nhiều hơn đến tin học và trí tuệ nhân tạo, đây là các lĩnh vực đang hết sức sôi động và cũng là lĩnh vực hái ra tiền nhiều hơn”, theo Gros. Nhưng các lĩnh vực này lại không có giải Nobel. |