Hội nghị do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Nữ trí thức Việt Nam phối hợp tổ chức từ
ngày 18-20/10/2018 tại Hà Nội.
Tham dự hội nghị, bên cạnh các đại biểu từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, còn có đại diện từ Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế, và một số bộ, ban, ngành của Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội nghị, PGS-TS Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các quốc gia nhưng cũng đồng thời đặt ra không ít thách thức, tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, các nhà khoa học, đặc biệt là nhà khoa học nữ giữ một vai trò hết sức quan trọng, góp phần quyết định vào sự phát triển toàn diện, bền vững của mỗi quốc gia, mỗi khu vực và trên toàn cầu.
Bà cho biết, tại Việt Nam, đội ngũ nữ khoa học, trí thức đã từng bước trưởng thành. Tỷ lệ nữ thạc sỹ năm 2014 chiếm 43%, nữ tiến sỹ và tiến sỹ khoa học chiếm 21%; tỷ lệ nữ giáo sư, phó giáo sư giai đoạn 2012-2016 chiếm 24,6%. Nhiều phụ nữ có công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc làm cơ sở hoạch định chính sách và có tính ứng dụng cao trong thực tiễn, góp phần cải thiện đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn thách thức, nhất là những khoảng trống về giới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (STEM). Số lượng phụ nữ tham gia các lĩnh vực STEM còn ít, đòi hỏi sự cam kết nỗ lực hơn nữa của toàn xã hội.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại APNN lần thứ 8. Ảnh: Ngũ Hiệp
Đặc biệt, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phụ nữ là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương, dễ bị bỏ lại phía sau. "Vì thế, vai trò của các nhà khoa học nữ là vô cùng quan trọng. Ngoài ra việc trực tiếp đóng góp cho hoạt động nghiên cứu và triển khai, các nhà khoa học nữ là những tấm gương khuyến khích cho các em gái học các môn STEM nhằm thích ứng với những thay đổi của xã hội" - như Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh tại hội nghị.
APNN lần thứ 8 gồm các phiên toàn thể và 3 phiên hội thảo chuyên đề song song.
Tại các phiên toàn thể, các đại biểu nghe báo cáo hoạt động của các thành viên APNN, thảo luận các hoạt động chung của Mạng lưới. Trong khi đó, tại 3 hội thảo chuyên đề, các đại biểu thảo luận những vấn đề đang thu hút sự quan tâm của khu vực và quốc tế, đồng thời cũng nằm trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc như: Giới và bình đẳng giới trong khoa học công nghệ trong
bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Dinh dưỡng và an toàn thực
phẩm; và Quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
APNN là mạng lưới các nhà khoa học nữ khu vực châu Á - Thái Bình
Dương được thành lập năm 2011 trực thuộc Mạng lưới quốc tế các nhà khoa
học và kỹ thuật nữ (International Network of Women Engineers and
Scientists - INWES). Đến nay, APNN có 13 quốc gia và vùng lãnh thổ tham
gia mạng lưới, gồm: Australia, Bangladesh, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc,
Malaysia, Mông Cổ, Nepal, New Zealand, Pakistan, Sri Lanka, Đài Bắc
Trung Quốc và Việt Nam (từ năm 2013).
Hội nghị
APNN được tổ chức thường niên nhằm tạo điều kiện cho các thành viên APNN
trao đổi kinh nghiệm, đề xuất giải pháp nâng cao năng lực và vai trò
của các nhà khoa học nữ trong phát triển kinh tế - xã hội.
INWES là mạng lưới toàn cầu gồm các tổ chức phụ nữ trong khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học (STEM), hoạt động tại hơn 60 nước và vùng lãnh thổ. INWES hoạt động như một tổ chức phi chính phủ nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các nhà khoa học và kỹ thuật, khuyến khích trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nói chung và các dự án, sáng kiến, ý tưởng đổi mới sáng tạo nói riêng. |