Tại hội nghị quốc tế Địa kỹ thuật cho phát triển hạ tầng bền vững - GEOTEC Hà Nội 2016 diễn ra ngày 24 và 25/11 tới, các chuyên gia sẽ mổ xẻ thực trạng và các giải pháp địa kỹ thuật chống biến đổi khí hậu, vấn đề chưa được quan tâm đúng mức ngay cả ở Nhật Bản.
Trong buổi họp báo giới thiệu về hội nghị quốc tế GEOTEC Hà Nội 2016 chiều 21/11, ban tổ chức cho biết hội nghị có sự tham gia của các đại diện Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam, các giáo sư trong nước và quốc tế.
Chủ đề quan trọng nhất của hội nghị là “Địa kỹ thuật bờ sông, bờ biển và giải pháp chống biến đổi khí hậu”. Chủ đề này được GS Kazuya Yasuhara - một trong những chuyên gia đầu ngành của Nhật Bản về địa kỹ thuật, từng 2 lần tham gia GEOTEC - đánh giá cao: "Ngay cả ở Nhật Bản, vấn đề đánh giá tác động của môi trường vẫn chưa thật sự được quan tâm và bị cho rằng đó là chuyện của tương lai xa. Tuy nhiên, thực tế, sự phát triển của biến đổi khí hậu đã tạo ra những thảm họa thiên nhiên như bão, ngập lụt… Vấn đề này đặt ra thách thức cho các kỹ sư địa kỹ thuật, buộc họ phải có những nghiên cứu để ngăn chặn và có phương án dự phòng”.
Ông Phạm Việt Khoa giới thiệu về Hội nghị GEOTEC 2016.
Là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam đang và sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề không bền vững liên quan đến xây dựng, vận hành, khai thác các loại công trình trên toàn quốc. Ngành xây dựng nói chung và ngành đại kỹ thuật nói riêng có vai trò quan trọng.
Theo ông Phạm Việt Khoa - Trưởng ban tổ chức, nền khoa học kỹ thuật nền móng của Việt Nam tuy đã phát triển nhưng luôn đi sau so với thế giới từ 20-30 năm. Hội nghị này được tổ chức với mục tiêu tạo ra diễn đàn để các nhà khoa học trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực này giao lưu với nhau, tạo cơ hội để Việt Nam rút ngắn khoảng cách với các nước trên thế giới.
Trong 2 ngày diễn ra hội nghị, 80 bản tham luận sẽ được trình bày, được lựa chọn từ hàng trăm bài viết của các tác giả đến từ 31 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới như Mỹ, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Hong Kong (Trung Quốc), Hungary, New Zealand, Pakistan, Philippines, Singapore… Việt Nam và Nhật Bản dẫn đầu về số lượng bài viết hoàn chỉnh được lựa chọn.
5 bài thuyết trình đại diện cho 5 chủ đề của hội nghị năm nay sẽ được trình bày bởi 5 giáo sư hàng đầu thế giới trong lĩnh vực địa kỹ thuật là GS Bengt H. Fellenius (Canada), GS Chang-Yu Ou (Đài Loan - Trung Quốc), GS Buddhima Indraratna (Australia), GS Kazuya Yasuhara (Nhật Bản) và TS Jamie Standing (Anh).
Ngọc Vũ