Đó là quan điểm của GS Nguyễn Đức Chiến – Đại học Bách khoa Hà Nội - được trình bày tại Hội nghị quốc tế thường niên Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) lần thứ IV - năm 2016, diễn ra ngày 17- 18/11 với chủ đề chính là ứng dụng công nghệ và vật liệu nano.
Hội nghị năm nay thu hút 28 diễn giả trình bày tham luận chuyên đề, trong đó có 11 diễn giả đến từ các quốc gia phát triển về công nghệ nano của thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.
Trong phần trình bày của mình, GS Nguyễn Đức Chiến – Đại học Bách khoa Hà Nội - cho rằng, hiện Việt Nam đã có nhiều trường đại học, viện và các nhóm nghiên cứu về công nghệ nano và đạt những kết quả ban đầu đáng khích lệ, nhất là về nghiên cứu cơ bản. Tuy nhiên, những nghiên cứu này chủ yếu là tự phát, chưa có sự liên kết giữa các nhóm. Ngoài ra, nguồn lực dành cho nghiên cứu công nghệ nano còn thấp và phân tán. Vì vậy, theo ông Chiến, cần tăng cường sự phối hợp, liên kết giữa các nhóm nghiên cứu ở các viện, trường, hợp tác quốc tế. Đồng thời, mỗi khu vực cần có một trung tâm làm xương sống trong nghiên cứu về công nghệ nano và mời thêm các tổ chức tư nhân khác tham gia.
“Một chương trình nhà nước có định hướng rõ ràng, cụ thể trong nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ nano là cần thiết trong giai đoạn hiện nay” – GS Chiến nói.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương, công nghệ nano đã tương đối phổ biến tại Việt Nam, nhưng việc làm chủ nó trong ứng dụng, sản xuất vẫn còn hạn chế. Vì vậy, hội nghị là cơ hội tốt để các nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển công nghệ nano, ứng dụng vật liệu nano trong sản xuất và đời sống. Đây cũng là cơ hội tốt cho các cơ quan quản lý nắm bắt thực tiễn để xây dựng chính sách phù hợp về phát triển công nghệ nano và vật liệu nano. "Bộ KH&CN luôn ủng hộ và đồng hành cùng các nhà khoa học, doanh nghiệp trong phát triển KH&CN nói chung và công nghệ nano nói riêng" – Thứ trưởng Phạm Đại Dương nhấn mạnh.
Về việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ nano tại TPHCM, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND thành phố - cho biết, trong thời gian qua, thành phố đã đầu tư phát triển các sản phẩm từ công nghệ nano như pin mặt trời, dầu diesel sinh học, vi mạch bán dẫn, tế bào gốc, dược liệu… với kỳ vọng nội địa hóa công nghệ, tiến tới làm chủ công nghệ để tạo ra những sản phẩm mới có sức cạnh tranh cao trên thị trường.
"Khu Công nghệ cao TPHCM cần đưa ra những giải pháp khả thi, có khả năng ứng dụng nhanh vào thực tiễn để hoạch định những chủ trương phát triển về phát triển công nghệ cao nói chung và công nghệ nano nói riêng trong những năm sắp tới" - ông Phong nói.
Hội nghị Quốc tế Thường niên Khu CNC được tổ chức hàng năm với mục tiêu tạo sự kết nối giữa các chuyên gia KH&CN, doanh nghiệp và các nhà đầu tư; tăng cường hợp tác NCKH, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm lĩnh vực công nghệ cao cũng như phát triển chuỗi cung ứng nội địa.TS Lê Hoài Quốc - Trưởng Ban quản lý SHTP - cho biết, hội nghị thường niên của SHTP lần này mở ra nhiều cơ hội để TPHCM tiếp cận, chuyển giao, ứng dụng và phát triển công nghệ nano một cách rộng rãi, thiết thực, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ môi trường.