Hằng năm có khoảng 2.000 nhiệm vụ KH&CN, 20.000 kết quả nghiên cứu, sáng chế, có thể khai thác thương mại phục vụ phát triển sản xuất. Tuy nhiên, kể từ năm 2000, mỗi năm nhà nước vẫn phải bỏ ra 2,5 – 3 tỷ USD để nhập khẩu thiết bị, công nghệ.

Đó là những thông tin được đưa ra tại Hội thảo và triển lãm Thương mại hóa công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức ngày 15/11 tại Tp.Hồ Chí Minh. Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đã tham dự hội thảo cùng với hơn 200 đại biểu đến từ các sở KH&CN, trường đại học, viện nghiên cứu và 30 doanh nghiệp (DN) tham gia triển lãm.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, hiện tại tỷ lệ thương mại hóa thành công của những kết quả nghiên cứu trong nước vẫn chưa cao. Trong khi đó, từ năm 2000, mỗi năm nhà nước bỏ ra từ 2,5 – 3 tỷ USD để nhập khẩu thiết bị, công nghệ. Gần 65% giá trị nhập khẩu thiết bị, công nghệ có nguồn gốc từ Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore. Đối tượng nhập khẩu chủ yếu là những DN vừa và nhỏ.

"Vấn đề đặt ra là có những thiết bị, công nghệ nhập khẩu này có thể chế tạo được ở trong nước. Hiện tại, nước ta đang có nguồn tài sản trí tuệ rất lớn là tập hợp của rất nhiều các kết quả NCKH, phát triển công nghệ, luận văn tiến sỹ, các sáng chế, giải pháp hữu ích, cải tiến kỹ thuật. Việc hỗ trợ khai thác hiệu quả những nguồn kết quả nghiên cứu, sáng chế này phục vụ cho phát triển sản xuất – kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trong nước là đặc biệt quan trọng" - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng (thứ 3 từ trái qua) tham quan các gian hàng tại Triển lãm

TS Nguyễn Phan Kiên - ĐH Bách khoa Hà Nội - lý giải, sở dĩ những kết quả nghiên cứu của Viêt Nam ít được thương mại hóa là do hàm lượng chất xám ít, không đáp ứng được yêu cầu của thị trường, không được truyền thông đến các DN. Những nghiên cứu thường dừng ở mức chức năng, không đạt được tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, kinh phí nghiên cứu thường không đủ để hoàn thiện tới sản phẩm thương mại. Vì vậy, theo TS Kiên, cần phải tăng cường truyền thông các kết quả nghiên cứu đến từng DN; Đầu tư theo hai hướng rõ ràng cơ bản và ứng dụng; Xây dựng chương trình nghiên cứu cụ thể với các trường;…

Ông Masakazu Natio, chuyên gia từ JICA, cho biết, Nhật Bản có nhiều chính sách hỗ trợ thương mại hóa được đưa vào Luật Cơ bản KH&CN 5 năm một lần; khu vực tư nhân được hỗ trợ toàn cầu hóa và nội địa hóa từ R&D đến bán hàng. Thương mại hóa kết quả nghiên cứu cũng được nhiều nước như Hoa Kỳ, Vương Quốc Anh, Hàn Quốc chú trọng phát triển. Chứng minh cho điều này là Thung lũng Silicon, Thành phố khoa học Daedok (Hàn Quốc), thủ đô công nghệ Bangalore Ấn Độ),… Đây là những bài học thành công về thương mại hóa công nghệ cho Việt Nam nghiên cứu, học hỏi.

Nhiều kinh nghiệm về thương mại hóa được chia sẻ tại hội thảo

Cùng với các hoạt động xúc tiến phát triển thị trường công nghệ trong nước, thời gian qua Bộ KH&CN đã quan tâm, đầu tư và tạo ra bước chuyển biến nhất định trong việc hình thành và phát triển thị trường công nghệ của Việt Nam.

Cụ thể, trong năm 2014, Bộ KH&CN giao cho Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN làm đầu mối mời và hỗ trợ một số DN Việt Nam tham gia Hội chợ Triển lãm thiết bị công nghiệp SuwaMesse tại Nhật Bản với mục đích hợp tác, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm. Ngoài các hoạt động xúc tiến hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ của Bộ KH&CN, các bộ ngành khác cũng có những hoạt động hỗ trợ DN Việt tham gia các triển lãm quốc tế lớn về các lĩnh vực ở nhiều nơi trên thế giới.

Bên cạnh 2000 nhiệm vụ KH&CN, 20.000 kết quả nghiên cứu, sáng chế mỗi năm, khối trường đại học đóng góp vào kho kết quả nghiên cứu khoảng 16.000 kết quả. Ngoài ra, những giải pháp, sáng chế, nhiều kết quả nghiên cứu từ các nhóm đơn lẻ, cá nhân có tiềm năng ứng dụng lớn vào thực tiễn.