..... Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam mong muốn đưa Halal thành “nội hàm hợp tác kinh tế quan trọng, trụ cột mới, động lực mới” trong phát triển quan hệ với các nước. Đồng thời Việt Nam coi Halal là “cơ hội vàng” để doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu. Ngành Halal gồm nhiều lĩnh vực - từ nông nghiệp, du lịch, dệt may, dược, mỹ phẩm cho tới các ngành công nghiệp hỗ trợ, dây chuyền sản xuất, lưu kho, vận chuyển, dịch vụ,... Những sản phẩm, quá trình dịch vụ Halal phù hợp dành cho các khách hàng là người Hồi giáo. Việt Nam hiện có gần 1.000 doanh nghiệp được chứng nhận Halal.
Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã chủ động xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về Halal, gồm các tiêu chuẩn về thực phẩm Halal; về sản xuất nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi và giết mổ động vật theo Halal. Trong năm 2023, Bộ KH&CN đã công bố tiêu chuẩn quốc gia về “tổ chức chứng nhận Halal”. Tiếp theo, năm 2024, Bộ KH&CN đã chỉ đạo thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia (HALCERT) và xây dựng tiêu chuẩn Quốc gia “TCVN 14230:2024 Dịch vụ du lịch thân thiện với người Hồi giáo - Các yêu cầu” để tạo thuận lợi cho việc thu hút khách du lịch Hồi giáo tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch kết hợp hội nghị tại Việt Nam. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt bày tỏ tin tưởng, tiêu chuẩn quốc gia này sẽ góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch, lữ hành Việt Nam tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm của mình thông qua việc phục vụ dòng khách từ Trung Đông và các quốc gia Hồi giáo, đóng góp vào chương trình phát triển ngành Halal của Việt Nam.
Trong khuôn Hội nghị, Bộ KH&CN đã giới thiệu Trung tâm Chứng nhận Halal Quốc gia Việt Nam và bộ tiêu chuẩn Halal Việt Nam.