Với chủ đề “Định hình tương lai Fintech Việt Nam”, Hội thảo Toàn cảnh công nghệ thông tin – truyền thông được Hội Tin học TPHCM (HCA) phối hợp cùng Fintech Academy Singapore tổ chức ngày 31/10 tại TPHCM đã gợi mở nhiều vấn đề cho sự phát triển của thị trường Fintech Việt Nam trong thời gian tới.
Thị trường tiềm năng
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch HCA, cho biết, theo thống kê năm 2019 của Statista (Cổng thông tin trực tuyến về thống kê của Đức), hiện trên thế giới có khoảng gần 10 ngàn công ty Fintech đang hoạt động. Tại Châu Âu, khoảng 30% doanh thu mới được tạo ra trong ngành ngân hàng đang chảy vào túi các công ty Fintech. 10 - 40% doanh thu và 20-60% lợi nhuận của ngân hàng bán lẻ đang bị đe dọa bởi sự nổi lên của các công ty Fintech trong vòng 10 năm tới.
Cũng theo Statista, 41% Fintech cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực thanh toán và lưu ký bảo lãnh; tiếp theo là các công cụ bổ trợ dịch vụ tài chính (27%), cho vay, tiền gửi và huy động vốn (18%), dịch vụ quản lý đầu tư (9%) và các dịch vụ khác (5%). Khoảng 83% các tổ chức tín dụng truyền thống cho rằng một số mảng kinh doanh có nguy cơ rơi vào tay của các Fintech. Những con số nói trên là do Fintech có các lợi thế như sản phẩm đổi mới, sáng tạo, đối tượng khách hàng rộng rãi, chất lượng dịch vụ, xây dựng thương hiệu thuận lợi, lợi thế về chi phí rẻ,…
Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Việt Nam hiện có 154 công ty đang hoạt động. 35 ngân hàng đang cung cấp dịch vụ thanh toán qua di động. Fintech đang lấn chiếm thị trường bán lẻ, vay tiêu dùng cá nhân. Bên cạnh đó, các ví điện tử, giải pháp thanh toán cũng ngày càng phổ biến. “Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng cho Fitech phát triển” – ông Hòe nhấn mạnh và lý giải, Việt Nam có dân số gần 100 triệu dân, trong đó với số thuê bao 143,3 triệu, 66% dùng internet, 64% dùng mạng xã hội, 60% dùng smartphone. Ngoài ra, người dân Việt cũng dành nhiều thời gian cho internet, mạng xã hội, top 5 của thế giới xem qua Youtube,...
Ông Hòe cũng cho biết, có tới 84% các ngân hàng thương mại lựa chọn hợp tác Fintech để triển khai kênh hiện đại tiếp cận khách hàng. Các quy trình nghiệp vụ tín dụng như chấm điểm xếp hạng, định giá tài sản... cũng có thể chia sẻ cho Fintech.
Rào cản chính sách
Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, rào cản phát triển của Fintech Việt Nam hiện nay là hạn chế về chính sách, khi NAPAS vẫn là kênh độc quyền cho mọi giao dịch thanh toán, vay ngang hàng chưa cho phép hoàn toàn (chỉ có ngân hàng và các tổ chức tín dụng được phép). Ngoài ra, các công ty Fintech thiếu nguồn vốn để triển khai kế hoạch kinh doanh, năng lực quản trị và điều hành hạn chế, chủ yếu được hướng dẫn từ các nhà đầu tư lớn có kinh nghiệm. Trong khi đó, việc xây dựng thương hiệu mạnh và danh tiếng lại rất tốn kém, vốn đòi hỏi thời gian và nỗ lực của các startup. “Fintech phụ thuộc rất nhiều vào chính sách, vì vậy cần sớm có một hành lang pháp lý phù hợp và hỗ trợ cho sự phát triển của Fintech” – ông Long nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Truyền thông VNPT-Media, cũng cho rằng, Việt Nam đang có một môi trường xã hội rất sẵn sàng cho Fintech, công nghệ khá tốt, nhưng hệ thống khung pháp lý chưa hoàn thiện. Vì vậy, thị trường Fintech bắt đầu phát triển và nở rộ trong 5 năm trở lại đây, nhưng vẫn còn khá ít, mới có khoảng hơn 150 doanh nghiệp, đa phần là doanh nghiệp nhỏ, startup, dịch vụ ít, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thanh toán, ví điện tử.
Theo ông Hải, có 2 nhân tố sẽ định hình nên thị trường Fintech, là Chính phủ và các tập đoàn công nghệ lớn. Các tập đoàn này đã và đang có sự quan tâm, tham gia vào thị trường này. “Chính phủ cần hoàn thiện khung pháp lý để hỗ trợ các công ty Fintech phát triển. Đặc biệt là về vấn đề định danh và xác thực điện tử. Fintech không thể phát triển nếu thiếu các quy định pháp luật và giải pháp về các vấn đề này” – ông Hải nói.
Ông Phạm Xuân Hòe cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ Đề án cơ chế thử nghiệm cho hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng và sẽ triển khai sau khi được Chính phủ phê duyệt. Vì vậy, ông Hòe mong muốn đề án sớm được phê duyệt để có cơ sở ra Nghị định, thông tư thực hiện.
Ông Hòe cũng cho rằng, cần nhanh chóng có bộ cơ sở dữ liệu về dân cư, nền kinh tế, chia sẻ thông tin, đẩy mạnh dịch vụ chức ký số, chứng thực số và có riêng luật về hợp đồng kinh tế.
Chủ động hợp tác với ngân hàng
Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phẩn Bưu điện Liên Việt, khẳng định, phát triển mô hình ngân hàng số là xu hướng tất yếu mà ngành ngân hàng hướng đến trong thời gian tới. Để thực hiện, các ngân hàng cần nâng cấp, chuyển đổi hệ thống ngân hàng lõi, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số hóa tài sản.
“Trong quá trình triển khai ngân hàng số, các ngân hàng cần sự hợp tác với các công ty công nghệ lớn, công ty Fintech trong cung ứng các dịch vụ ngân hàng, phát triển các sản phẩm mới” – ông Thắng nói và cho rằng, hai bên cần chủ động hợp tác thực hiện để chứng minh cho Chính phủ thấy thực tế là đúng, cần thiết, từ đó mới đẩy nhanh được việc ban hành các cơ chế, chính sách, khuôn khổ pháp lý cho Fintech phát triển hiệu quả.
Ông Phạm Xuân Hòe cũng đưa khuyên các công ty Fintech nên chọn mô hình hợp tác với các ngân hàng ngay từ đầu, bởi đây là con đường đi tắt, nhanh nhất để phát triển.
Chia sẻ kinh nghiệm của Singapore, TS Koh Noi Keng, Giám đốc Fintech Academy Singapore (FTA), cho biết, Singapore có một cơ chế Sandbox (khu vực thử nghiệm mô hình kinh doanh, ý tưởng mới) tạo điều kiện cho các startup Fintech thử nghiệm hoạt động. Khi những startup này chứng minh được sự hiệu quả, nhà nước và các ngân hàng lớn rất nhanh chóng cấp phép và mua lại những giải pháp này để đưa ra thị trường. Ngoài ra, Singapore còn tổ chức đào tạo, truyền thông cho mọi người dân, từ học sinh, sinh viên, cán bộ quản lý, người lao động,… nâng cao nhận thức về Fintech và tránh được những rủi ro khi tham gia, sử dụng lĩnh vực này.