Chương trình đào tạo Advanced Fintech Manager (AFM) về công nghệ tài chính (Fintech) được Trường Đại học Kinh tế TPHCM (UEH) hợp tác với Đại học SoongSil (Hàn Quốc) tổ chức lần đầu tiên sẽ khai giảng vào ngày 10/10/2019 tại TPHCM.

Thông tin trên được GS.TS Nguyễn Trọng Hoài - Phó Hiệu trưởng UEH - cho biết tại buổi giới thiệu chương trình AFM do UEH tổ chức ngày 26/9. Khóa học dành cho những nhà quản lý cấp trung trở lên, có kiến thức trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bảo hiểm và công nghệ thông tin.

AFM là chương trình chính thống, được xây dựng dựa trên giáo trình của Đại học SoongSil (Hàn Quốc) và những tình huống cụ thể. Ngoài sự tham gia giảng dạy của giảng viên, khóa đào tạo còn có sự tham gia của CEO các công ty startup, tài chính ngân hàng của hai nước có những nghiên cứu, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính, nhằm chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm triển khai Fintech vào thực tế như Palexy, Sentbe, VNPay,…

GSTS Nguyễn Trọng Hoài (ngoài cùng bên trái) chia sẻ về ngành Fintech
GS.TS Nguyễn Trọng Hoài (bìa phải) chia sẻ về ngành Fintech

TS Ngô Tấn Vũ Khanh, Khoa Thương mại điện tử của UEH, cho biết thêm, khoá đào tạo ngắn hạn này là sự kết hợp của 3 thành phần tham gia là công nghệ, tài chính và chính sách. Trong đó, yếu tố công nghệ được nhấn mạnh và thể hiện qua phần giải quyết vấn đề kỹ thuật (Big Data, Robot advisor, Blockchain, AI…) từ những tình huống thực tế của các công ty Fintech hàng đầu hai nước.

Khóa học được giảng dạy theo phương thức tiếp cận tương đối mới, chia lớp theo các nhóm riêng biệt và tương tác lẫn nhau để tăng hiệu quả khai thác tình huống. Đặc biệt, lớp học còn có sự tham gia của một số nhà hoạch định chính sách, góp phần tìm hướng đi cũng như hoàn thiện hệ sinh thái tài chính, chính sách pháp lý về Fintech, cải cách nghiệp vụ ngân hàng trong tương lai.

TS Ngô Tấn Vũ Khanh giới thiệu về chương trình đào tạo
TS Ngô Tấn Vũ Khanh giới thiệu về chương trình đào tạo AFM

Phó Hiệu trưởng Nguyễn Trọng Hoài chia sẻ, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam có khả năng sẽ mất đi khoảng 14% lao động nếu như không được tái đào tạo. Với một số ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm nếu đi chậm sẽ có nguy cơ mất đi nguồn nhân lực. Nhận thấy bối cảnh đó,UEH đã rà soát tất cả môn học xem có thể áp dụng được công nghệ để triển khai đào tạo. Trường xác định phải phối hợp với các đơn vị trong hoặc ngoài nước đã triển khai thành công như Đại học Soongsil, để tổ chức những khóa đào tạo ngắn hạn trước nhằm học hỏi kinh nghiệm. Từ đó, nâng cao chất lượng đào tạo cũng như hoàn thiện các chương trình đào tạo dài hạn trong tương lai. Ngoài ra, nhà trường còn cử các giảng viên đi đào tạo tại nước ngoài về Fintech để hướng tới mở chuyên ngành đào tạo này tại UEH.