Hơn 200 báo cáo khoa học được công bố tại Hội nghị Công nghệ sinh học toàn quốc 2019 cho thấy sự tiến bộ trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ kinh tế - xã hội.

Hội nghị do Trung tâm Công nghệ sinh học phối hợp với Sở KH&CN, Hội Công nghệ sinh học TPHCM tổ chức ngày 1/11 tại TPHCM nhằm giới thiệu các kết quả nghiên cứu khoa học tổng kết, đánh giá sự tiến bộ trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) phục vụ kinh tế - xã hội; đưa ra các giải pháp, phương hướng đẩu mạnh sự phát triển của ngành CNSH.

Báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học tại Hội nghị
Báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học tại Hội nghị Ảnh: KA

PGS.TS Chu Hoàng Hà, Viện CNSH thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, cho biết, Viện CNSH, Viện Nghiên cứu di truyền thực vật và cây trồng, Công ty NAVETCO đã thành công trong nghiên cứu tạo được kháng nguyên tái tổ hợp từ thực vật có tính miễn dịch cao và đặc biệt với hệ thống biểu hiện tạm thời ở thực vật. Việc tạo vắc xin tái tổ hợp có thể được thực hiện trong vòng 1 – 2 tháng, cho phép bắt kịp và phản ứng kịp thời với sự biến đổi di truyền của virut gây bệnh. Các nhà khoa học trong nước gần đây đã nghiên cứu và sản xuất thành công kháng nguyên tái tổ hợp từ cây thuốc lá để phòng bệnh cúm A/H5N1, cúm A/H7N9, bệnh lợn tai xanh, bệnh tiêu chảy cấp ở lợn,… Việc sử dụng dịch chiết thô từ thực vật giúp giảm giá thành của vắc xin, số gia cầm sống sót trên 92%.

Trung tâm CNSH TPHCM giới thiệu các kết quả nghiên cứu về CNSH thực vật
Trung tâm CNSH TPHCM giới thiệu sản phẩm nghiên cứu từ nuôi cấy mô. Ảnh: KA

Nghiên cứu ứng dụng bảo quản cam sau thu hoạch bằng chistosan kết hợp với poly – vinyl alcohol (PVA) của nhóm tác giả Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đã tiến hành phân lập các chủng nấm gây hư hỏng cam và đánh giá khả năng kháng nấm của hỗn hợp chistosan/PVA. Từ quả cam sành sau khi thu hoạch phân lập được 4 chủng nấm mốc: penicillium sp, Aspergillusniger, Rhizopusdelemar, Colletotrichum sp. Kết quả cho thấy hỗn hợp chistosan/PVA có khả năng kháng tốt cả 4 chủng nấm này. Quả cam sành được xử lý bao màng chistosan/PVA trong 4 phút có khả năng hạn chế độ biến đổi màu sắc, độ cứng, hàm lượng vitamin C, tỷ lệ hư hỏng giảm, bảo quản được 14 ngày, gấp đôi so với quả không xử lý.

m
Doanh nghiệp giới thiệu thiết bị phục vụ nghiên cứu, sản xuất trong ngành CNSH.

Ở động vật, nhóm nghiên cứu của Viện Sinh học nhiệt đới và Trường Đại học Nông lâm TPHCM đã xác định được tác nhân gây bệnh xuất huyết trên cá sặc rằn, đó là vi khuẩn K.pneumonia. Đây là loại bệnh đang gây trở ngại, khó khăn cho nghề sản xuất cá giống và nuôi thương phẩm vì làm cho cá chậm lớn và giảm sản lượng. Việc xác định được vi khuẩn gây bệnh là tiền đề cho việc phòng và trị bệnh xuất huyết trên cá đạt hiệu quả.

Ông
Ông Ngô Xuân Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Các ngành kinh tế kỹ thuật Bộ KH&CN. Ảnh: KA

Phát biểu tại Hội nghị, ông Ngô Xuân Bình, Phó Vụ trưởng Vụ các ngành kinh tế kỹ thuật Bộ KH&CN, cho biết, thời gian qua các bộ, ngành, địa phương, đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp, đã triển khai nhiều nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sinh học và đạt kết quả nhất định. Đó là chọn được nhiều giống cây trồng năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu với các điều kiện sinh thái bất lợi, kháng bệnh; Chẩn đoán và theo dõi các bệnh không truyền nhiễm bằng công nghệ gene đã có những bước tiến nhảy vọt; Nghiên cứu và sản xuất thành công nhiều loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia;... "Đặc biệt là những thành tựu CNSH Việt Nam được ứng dụng trong chẩn đoán, điều trị bệnh, bảo vệ sức khỏe cho con người. Điều này cho thấy CNSH đã có những thành tựu đáng ghi nhận” – ông Bình nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Bình, trình độ CNSH trong nước vẫn chưa đạt mức tiên tiến trong khu vực và chưa trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật công nghiệp cao, chưa tạo ra được nhiều sản phẩm chủ lực và chưa có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế quốc dân. Nhân lực nghiên cứu, phát triển công nghệ, quản lý, sản xuất, kinh doanh CNSH còn nhiều hạn chế.

“Bên cạnh đó, giữa các tổ chức nghiên cứu với doanh nghiệp và thị trường thiếu sự liên kết. Nhiều mô hình ứng dụng mới chỉ dừng ở mức thử nghiệm, chậm nhân ra diện rộng trong sản xuất và đời sống” – ông Bình nói.

Tại Hội nghị, bên cạnh các báo cáo chính, các tiểu ban trình bày các bài báo khoa học chuyên đề như: Nâng cao chất lượng hạt đậu tương thông qua đột biến gene mã hóa galactinol synthase sử dụng hệ thống CRISPR/CAS9; Phân tích hệ gene cá tra; Tác dụng ức chế của dịch chiết cây an xoa trên tế bào ung thư vú; Ứng dụng chỉ thị phân tử trong chọn tạo giống lúa chống chịu thiếu lân;…