Chỉ trong ba năm, từ 40 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Fintech, đến nay, con số này đã lên đến hơn 150 doanh nghiệp. Trong đó, có đến 70% là các công ty khởi nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Thông tin trên được ông Hoàng Công Gia Khánh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ ngân hàng Đại học Quốc gia TPHCM (VNUHCM-IBT) - cho biết tại buổi công bố chuỗi sự kiện Hội thảo Toàn cảnh công nghệ thông tin – truyền thông (CNTT-TT) Việt Nam lần thứ 24 - VIO 2019 và Lễ trao giải Top ICT Việt Nam 2019 do Hội tin học TPHCM (HCA) tổ chức ngày 7/10 tại TPHCM.
Theo ông Khánh, 70% số công ty Fintech ở Việt Nam là các công ty khởi nghiệp có vốn đầu tư đến từ các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, Úc, Anh, Đan Mạch, Pháp Trung Quốc, Singapore, Malaysia,...
Ông Lâm Nguyễn Hải Long - Chủ tịch HCA - cho biết, ước tính trên thế giới hiện có khoảng 10.000 công ty Fintech đang cạnh tranh với các ngân hàng trong mọi lĩnh vực từ thanh toán, huy động vốn, cho vay, kinh doanh ngoại hối và cả tư vấn đầu tư. Dựa trên công nghệ tài chính, nhiều mô hình và sản phẩm tài chính số hoá đã xuất hiện như ví điện tử, chuyển tiền ngang hàng, thanh toán di động, ngân hàng di động, cho vay ngang hàng, huy động vốn cộng đồng, ngân hàng chuỗi khối, ngân hàng số,... Nhờ có công nghệ tài chính, người dùng có thể chủ động thực hiện các dịch vụ tài chính không cần có sự hỗ trợ của nhân viên các tổ chức tài chính. Các công ty Fintech có thể cạnh tranh trực tiếp với các tổ chức tài chính truyền thống nhờ các sản phẩm và công nghệ tài chính sáng tạo hơn, cung cấp dịch vụ nhanh hơn hoặc tập trung phục vụ các phân khúc mà các tổ chức tài chính truyền thống chưa đáp ứng được.
Tại Việt Nam, các công ty Fintech hiện chủ yếu chỉ tập trung ở ba dịch vụ: thanh toán, cho vay ngang hàng và huy động vốn cộng đồng. Các lĩnh vực khác như dịch vụ quản lý tài sản, quản lý thanh khoản, quản lý đầu tư, bảo hiểm, dịch vụ tư vấn tài chính tự động vẫn đang trong quá trình sơ khai.
Theo ông Long, hệ sinh thái số trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng ở Việt Nam mặc dù phát triển nở rộ gần đây nhưng vẫn còn nhiều thách thức phải giải quyết, trong đó có vấn đề kiểm soát an ninh mạng, chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, đào tạo nhân lực…
Trong khi đó, ông Khánh bổ sung một thách thức khác là Việt Nam hiện đang thiếu các chuyên gia kỹ thuật am hiểu về lĩnh vực Fintech; đồng thời thiếu những nhà quản lý vi mô và vĩ mô, biết ứng xử như thế nào trước sự chuyển đổi số đối với ngân hàng và công ty Fintech. Fintech là một lĩnh vực kép, liên quan đến cả công nghệ và chính sách. Vì vậy, các công ty Fintech muốn phát triển liên quan đến rất nhiều ngành, không chỉ ngân hàng nhà nước mà còn các bộ ngành khác. “Các cơ quan quản lý cần phải kết nối, chia sẻ dữ liệu, thống nhất trong quản lý, sau đó Chính phủ đưa ra quan điểm nhất quán, đồng thời có khung pháp lý rõ ràng, minh bạch cho sự phát triển của các công ty Fintech” – ông Khánh nhấn mạnh.
Với chủ đề “Định hình tương lai Fintech Việt Nam”, VIO 2019 và Lễ trao giải Top ICT Việt Nam 2019 sẽ diễn ra trong hai ngày 30 và 31/10 tại TPHCM. Sự kiện do HCA phối hợp cùng Fintech Academy Singapore (FTA), Hiệp hội ngân hàng Việt Nam (VNBA) và VNUHCM-IBT phối hợp tổ chức.
Ngoài hội thảo chính có chủ đề Định hình tương lai Fintech Việt Nam, còn có các hội thảo song song với nhiều chuyên đề đa dạng chia sẻ về: Xu thế phát triển, vai trò và tác động của FinTech đối với nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay; FinTech và sự thay đổi của công nghệ, dịch vụ thanh toán; FinTech và vấn đề an toàn bảo mật thông tin; FinTech và Đột phá khởi nghiệp; Fintech và Nguồn nhân lực;….
VIO 2019 có sự tham gia của 30 gian hàng đến từ các ngân hàng, công ty Fintech, doanh nghiệp CNTT sẽ giới thiệu, trình diễn công nghệ, thiết bị; các giải pháp, ứng dụng, công nghệ hỗ trợ FinTech...