Chưa biết tận dụng những lợi thế của chỉ dẫn địa lý, sản xuất chạy theo số lượng, chưa kết nối được nhiều nguồn lực, … là những yếu tố khiến nông sản Việt chưa có giá trị cao và cạnh tranh được trên thị trường quốc tế.

Đó là nhận định của các diễn giả tại Hội thảo “Đi tìm ưu thế cạnh tranh của nông sản Việt để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu” do Saigon Innovation Hub (SIHUB) tổ chức ngày 22/9 tại TPHCM.

Chạy theo số lượng

Vùng đất Sóc Trăng có nhiều sản vật nổi tiếng, trong đó có gạo thơm ST 24 của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang được lọt vào Top 3 gạo ngon nhất thế giới năm 2017. Loại gạo này đạt chuẩn hạt dài, trắng trong, cơm dẻo vừa và có hương thơm mùi lá dứa. Bà Vũ Thị Hiếu Đông – Giám đốc Sở KH&CN Sóc Trăng cho biết, giống ST 24 nếu trồng tại các địa phương khác ở Đồng bằng Sông Cửu Long thì chất lượng không được như trồng ở Sóc Trăng. Do được thị trường ưa chuộng, trong khi chưa mở rộng được diện tích trồng nên loại gạo này sản xuất không đủ cung ứng cho thị trường – theo bà Đông.

Các diễn giả chia sẻ tại Hội thảo
Các diễn giả chia sẻ bài toàn tìm ưu thế cạnh tranh cho nông sản Việt

Từ câu chuyện gạo của Sóc Trăng, nhiều ý kiến cho rằng sản phẩm gạo ST 24 là một ví dụ chứng minh cho việc doanh nghiệp Hồ Quang đã đi ngược lại cách làm của người nông dân là giữ chất lượng thay vì chạy theo số lượng. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng tạo ra được một chuỗi giá trị xã hội trong nông nghiệp. Đó là nghiên cứu, tạo ra giống, quy trình trồng lúa, sau đó cung cấp và hướng dẫn người dân trồng đúng kỹ thuật. Doanh nghiệp là người đứng ra thu mua, xay xát, đóng gói và phân phối thương hiệu gạo ST 24.

“Với cách thức chạy theo số lượng thì ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ luôn trong tình trạng phải giải cứu, dân không giàu lên và khó xây dựng được thương hiệu quốc gia” – ông Phạm Minh Quang, Phó Giám đốc dự án Mekong Business Initiative (MBI) - nhấn mạnh. Ông Quang lấy ví dụ về cây lúa của Campuchia chỉ làm 1 vụ/năm, nhưng rất chất lượng. Về gạo thơm, người tiêu dùng nước ngoài chủ yếu biết đến gạo của Thái Lan, Campuchia,... Trong khi Việt Nam mỗi năm 2-3 vụ với năng suất hơn gấp nhiều lần, nhưng thương hiệu lại khá mờ nhạt trên thị trường quốc tế.

Cần tận dụng chỉ dẫn địa lý

Theo ông Quang, để nông sản Việt có giá trị cao hơn, nên hạn chế sản xuất đại trà, bên cạnh đó, việc trồng và phân phối cần tuân theo các tiêu chuẩn an toàn trong và ngoài nước và đơn đặt hàng. Việc này cũng khắc phục được “điệp khúc” được mùa mất giá ở các sản phẩm nông sản trong thời gian qua. Quan trọng hơn là cần xây dựng được thương hiệu quốc gia cho nông sản để doanh nghiệp theo đó phát triển sản xuất. “Việc này cần có sự vào cuộc của cả nhà nước và những doanh nghiệp lớn. Chỉ khi có thương hiệu quốc gia, nông sản Việt mới có giá trị cao và vào được thị trường quốc tế” – ông Quang nhấn mạnh.

Nông sản Việt cần tận dụng chỉ dẫn địa lý để nâng cao giá trị
Nông sản Việt cần tận dụng chỉ dẫn địa lý để nâng cao giá trị

Đồng tình với ý kiến này, ông Bùi Huy Bình, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần giải pháp và dịch vụ truy xuất nguồn gốc TraceVerified, cũng cho rằng, sản xuất nông nghiệp không phải cứ nhiều là tốt. Sự tham gia của công nghệ vào nông nghiệp để nâng cao giá trị sản xuất, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là rất cần thiết. “Công nghệ sẽ kết nối các khâu trong sản xuất, cung ứng, giúp quá trình này minh bạch, hiệu quả hơn và mang lại niềm tin cho người tiêu dùng khi sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn” – ông Bình chia sẻ.

Bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) - cho rằng, nông sản Việt muốn cạnh tranh được cần dựa vào ưu thế của chỉ dẫn địa lý để tăng thêm giá trị. Các nước như Nhật Bản, Thái Lan sử dụng tốt ưu thế này lên từng sản phẩm nên giá trị nông sản của họ nâng cao rất nhiều. Trong khi đó, nhiều nông sản Việt Nam đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý nhưng vẫn chưa khai thác hết hiệu quả. “Chúng ta đang có gia tài quý treo trên gác bếp nhưng vẫn chưa lấy xuống, đánh bóng và làm sáng hơn trong khu vực, thế giới” - bà Hạnh nói.